Ghi ở vùng cao xã Mỹ Thạnh

Kinh tế - Ngày đăng : 05:25, 10/10/2022

Mỹ Thạnh là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Hàm Thuận Nam phần lớn đồng bào Rai sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao rất cần những giải pháp về vốn, kỹ thuật sản xuất… để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.

Trợ lực hiệu quả từ nguồn vốn

Từ tờ mờ sáng anh Hồ Văn Thủy ở thôn 2, xã Mỹ Thạnh đã lùa đàn bò lên rừng chăn thả đến tối mịt mới về. Nhờ chăm chỉ, không ngại khó từ nguồn vốn vay hộ nghèo ban đầu 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Hàm Thuận Nam anh Thủy đầu tư trồng bắp, mì, nuôi bò nhờ vậy kinh tế gia đình đã có của ăn của để trong nhà. Từ 2 con bò mua ban đầu nay phát triển đàn lên đến 10 con. Cứ 1 năm đàn bò sinh sản xuất bán cho thu về lãi kha khá. Ngoài ra, anh còn có nguồn thu ổn định từ 1,5 ha đất trồng điều, cây mì, bắp lai. “Đất đai trên này màu mỡ nên cây trồng tươi tốt, chăn nuôi thuận lợi. Chỉ lo giá cả vẫn bấp bênh và phân bón tăng cao nên cũng ảnh hưởng đến thu nhập của bà con”, anh Thủy nói.

Nông dân tham quan các mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường.

Chị Nguyễn Thị Giang – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mỹ Thạnh chia sẻ: “Đa số bà con nơi đây đều làm nông ai cũng siêng năng chăm chỉ, hết mùa vụ họ lại lên rừng xắn măng, hái nấm, đi làm thuê… Nguồn vốn là yếu tố quan trọng giúp người dân tăng gia mở rộng sản xuất. Từ nguồn vốn tín dụng của nhà nước chuyển tải kịp thời đến người dân, nhờ vậy mà công tác giảm nghèo tạo việc làm cho người nghèo ở địa phương đã tìm được hướng ra”. Theo Hội Phụ nữ xã Mỹ Thạnh cho hay, toàn xã có 211 hộ/251 hộ do Hội quản lý đều được hỗ trợ vốn tín dụng lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình với tổng dư nợ 9,49 tỷ đồng. Tính chung toàn xã thì dư nợ 7 chương trình tín dụng dư nợ là 10 tỷ đồng giúp cho 235 hộ vay vốn.

Cần giải pháp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Bà Hoàng Thị Kha – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết: Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã vận động thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo của Trung ương, của tỉnh. Song song đó, là vận động các đơn vị doanh nghiệp giúp các hộ nghèo xây nhà, hỗ trợ con giống chăn nuôi. Trong đó, phải kể đến hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách lãi suất ưu đãi đưa vào địa phương giúp cho người dân phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND xã Mỹ Thạnh, công tác giảm nghèo, tạo việc làm tại địa phương kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Khó khăn của xã do đa số bà con nơi đây đều làm nông nghiệp thu nhập thấp, hàng năm thương lái thu mua các loại nông sản giá cả bấp bênh. Trong khi đó, đa số đồng bào nơi đây trình độ thấp nên kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt của người dân còn hạn chế, thiếu thông tin, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian. Các loại cây trồng chủ yếu là bắp lai, cây mì, cây thanh long, điều, lúa và chăn nuôi bò, trâu… năng suất, hiệu quả mang lại chưa cao. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp hiện xã vẫn chưa có hệ thống tưới tiêu mà chủ yếu lấy từ nước mưa, mỗi năm vụ mùa kết thúc bà con thường không có việc làm phải đi làm thuê.

Cùng với giải pháp hiệu quả hỗ trợ nguồn vốn, địa phương và các ban ngành liên quan cần quan tâm có giải pháp, cách làm sáng tạo lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để giúp bà con nơi đây thay đổi tư duy sản xuất để từ đồng vốn hỗ trợ, đất sản xuất đã cấp tự lực vươn lên thoát nghèo.

Toàn xã hiện có 258 hộ với 833 khẩu, trong đó dân tộc Rai chiếm đa số với 233 hộ/789 khẩu, số còn lại là người Kinh, Chăm, Tày. Trong đó, tổng số hộ nghèo, cận nghèo của xã còn cao với 211 hộ với 527 khẩu, chiếm đến 81,8% dân số toàn xã (hộ nghèo là 183 hộ/429 khẩu, hộ cận nghèo 28 hộ/98 khẩu chiếm tỷ lệ 10,85%).

T.Duyên