Giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:36, 10/10/2022

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến hết sức phức tạp, đây là nỗi trăn trở của nhiều gia đình và là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Giải pháp nào để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực học đường là trách nhiệm của các cấp, các ngành liên quan, nhà trường và phụ huynh.

Các hình thức xử lý bạo lực học đường

Mặc dù thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục trong nhà trường.

2e6aa064-1bb8-4bdb-a8e1-d2154debe6e9.jpeg
Sinh hoạt chuyên đề phòng chống bạo lực học đường trong trường học.

Ở Bình Thuận, mới đây tại Trường THCS Lương Sơn (huyện Bắc Bình) có nhóm học sinh tham gia đánh bạn và quay clip phát tán trên mạng xã hội. Nhận thấy vụ việc hết sức quan trọng, Hội đồng kỷ luật nhà trường họp và thống nhất kết quả hình thức xử lý kỷ luật đối với 5 học sinh tham gia đánh bạn. Theo đó, tạm dừng học ở trường có thời hạn 1 năm, kể từ ngày 29/9/2022. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, việc xử lý bạo lực học đường được thực hiện theo Thông tư 08 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông. Theo quy định, việc thi hành kỷ luật đối với học sinh phổ thông phạm khuyết điểm trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của mình với 5 hình thức. Cụ thể, khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần lễ, đuổi học 1 năm...

Tăng cường sự phối hợp

Để tăng cường công tác phòng chống bạo lực trong các cơ sở giáo dục, mới đây Sở GD&ĐT tỉnh đã đề nghị Phòng GD&ĐT huyện Bắc Bình nói riêng và các phòng GD&ĐT trong tỉnh nói chung chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, công tác xã hội trong trường học, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình và nhà trường…

Cùng với đó, tăng cường công tác truyền thông nâng hiệu quả trong công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác phòng chống bạo lực học đường. Đối với nhiệm vụ của nhà trường, ngoài việc giảng dạy chương trình chính khóa, ngoại khóa về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh hiện nay, cần tích cực tham mưu xây dựng ban tư vấn và phòng tư vấn tâm lý lứa tuổi. Tạo mối liên lạc trực tiếp và thường xuyên hơn nữa đối với cha mẹ học sinh về mọi biểu hiện của học sinh ở trường. Phối hợp với với chính quyền và công an địa phương để kịp thời cung cấp thông tin qua lại trong việc ngăn chặn mọi hiện tượng tiêu cực của học sinh. Về phía giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, không để định kiến xảy ra trong lớp học, phải lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của học sinh. Tổ chức Đoàn trường và Đội thiếu niên xây dựng kế hoạch tham gia tích cực vào các nhóm, tổ chức chống bạo lực của học sinh (duy trì hệ thống đường dây nóng như nhiều trường đã triển khai trong những năm qua) để tiếp nhận những thông tin về dấu hiệu bạo lực. Tăng cường tổ chức những chuyên đề ngoại khóa – câu lạc bộ cho toàn thể học sinh tham gia về kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường.

Đối với gia đình, phải đóng vai trò chính trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hiện tượng đang và sẽ tác động đến lối sống, đến hành vi đạo đức của học sinh. Trong trường hợp cần thiết, phụ huynh nên liên hệ với nhà trường để nghe tư vấn về tâm lý, tình cảm cho con em của mình, có những cam kết về giáo dục đạo đức cho con em với nhà trường và chính quyền địa phương. Cá nhân học sinh cần có những cam kết xây dựng môi trường quan hệ ứng xử văn hóa lành mạnh, lịch sự, thân thiện, tích cực. Báo cáo với nhà trường kịp thời khi phát hiện những biểu hiện băng nhóm, bạo lực học đường trong học sinh nhằm ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Sở GD&ĐT đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh trong các cơ sở giáo dục không chia sẻ các clip, hình ảnh mang tính bạo lực trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý học sinh.

Với những giải pháp trên, hy vọng công tác phòng chống bạo lực học đường sẽ đạt những kết quả tích cực, hướng đến xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, không bạo lực học đường.

Thanh Thuỷ