Đặc sắc Lễ hội Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím

Lễ hội - Ngày đăng : 04:57, 09/10/2022

Thị xã La Gi - một vùng đất ở cực Nam Trung bộ luôn là một địa điểm thu hút khách du lịch bởi những bãi biển đẹp hoang sơ, những di tích văn hóa, lịch sử truyền thống mang tính giáo dục đạo đức, hay những lễ hội tín ngưỡng đậm nét nhân văn...

Điểm nhấn cho bức tranh du lịch ở La Gi ngày thêm sinh động đặc biệt phải kể đến đó là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím được diễn ra vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận cách đây 25 năm, Dinh Thầy Thím được nhiều người biết đến không chỉ là nơi thể hiện lòng tín ngưỡng với vợ chồng người đạo sĩ là Thầy và Thím “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần” – những người được coi là vị “Thành hoàng” đã cứu giúp dân lành, mà là còn tìm đến với các nghi lễ và hoạt động văn hóa dân gian, để thấy rằng trong tâm tưởng của người dân Việt Nam - bản sắc văn hóa dân tộc không hề bị mai một.

Mô hình sự tích Dinh Thầy Thím

Ngoài mục đích giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, sống đạo nghĩa, tỏ lòng tôn kính biết ơn các bậc tiền bối đã có công khai khẩn quê hương, cứu giúp người nghèo. Thông qua Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím còn là dịp để thị xã La Gi quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, kêu gọi đầu tư du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ngoài ra, với những hoạt động dân gian trong lễ hội còn nhằm mục đích lưu giữ tập quán cổ truyền tốt đẹp, phát huy những nét đẹp trong đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đô thị, vì thế lễ hội đã trở thành điểm nhấn cho bức tranh du lịch La Gi ngày thêm khởi sắc.

Năm nay kỷ niệm 25 năm di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím được công nhận di tích cấp quốc gia thì chương trình lễ hội văn hóa – du lịch càng được chuẩn bị hoành tráng hơn với hình thức sinh động, nội dung phong phú.

Mở đầu phần lễ với nghi thức trang trọng diễn ra vào sáng sớm ngày 14 tháng 9 âm lịch là lễ Nghinh thần, rước sắc phong và bằng công nhận di tích. Ngoài ra các lễ: Nhập điện an vị; Cúng ngọ chay, Thỉnh sanh, Giỗ Tiền hiền và cúng binh gia, nghi thức chánh lễ… là những lễ nghi không thể thiếu trong mỗi mùa lễ hội. Bởi qua đây người dân địa phương cũng như du khách gần xa hiểu rõ hơn tấm gương sáng về lòng nhân ái, vị tha của con người, càng tôn kính đức độ của hai vị “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

Sự tích Thầy – Thím được tái hiện lại trong phòng trưng bày, những mô hình triễn lãm trực quan sinh động tái hiện lại cuộc đời của Thầy Thím, cùng những nghĩa cử cao đẹp được thể hiện qua buổi phát cơm từ thiện và thí thực phát lộc.

Hội thi kéo co tại lễ hội Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím

Hội thi làm bánh

Phần hội không kém phần sôi động với các hoạt động biểu diễn Lân – Sư – Rồng chương trình ca nhạc đặc sắc chào mừng lễ hội, cùng những trò chơi đậm nét đẹp của cư dân miền biển như: Gánh cá, khiêng thúng ra khơi, đan lưới. Cùng một số trò chơi đòi hỏi sự khéo tay như hội thi làm bánh, đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai như kéo co, chạy Việt Dã.

Đặc biệt trong đêm khai hội, sau các nghi lễ trang trọng và dâng hương tưởng nhớ Thầy Thím, ngoài các hoạt động biểu diễn trống hội thì còn những tiết mục ca nhạc đặc sắc phục vụ du khách gần xa.

Lễ dâng hương tưởng nhớ Thầy Thím

Từ sự tích Thầy Thím đầy tính nhân bản đến hoạt động lễ hội đậm tính nhân văn, nhắc nhở mọi người luôn nhớ về nguồn cội, tổ tiên, thực hiện và làm theo những việc nhân nghĩa mà Thầy Thím và các bậc tiền bối đã từng làm để cứu giúp người nghèo.

Thị xã La Gi được nhiều người biết đến không chỉ là biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà còn có Dinh Thầy Thím, với điểm nhấn là lễ hội văn hóa – du lịch hàng năm. Đây là cơ hội gợi mở tiềm năng du lịch ở La Gi, tương lai không xa vùng đất đầy hứa hẹn này sẽ hấp dẫn du khách gần xa đến tham quan, nghỉ dưỡng nhiều hơn nữa.

Rạng Đông