Làm gì để không xảy ra tử vong vì bệnh dại?

Đời sống - Ngày đăng : 05:29, 11/10/2022

Các trường hợp tử vong vì bệnh dại trong cả nước nói chung và tại Bình Thuận nói riêng có một điểm chung là không tiêm vắc xin phòng bệnh dại ngay khi bị chó, mèo cào, cắn, liếm vào vùng da bị tổn thương.

Tử vong do không tiêm phòng

Năm 2022, bệnh dại xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh. 9 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong bệnh dại và các tỉnh có ca tử vong cao gồm Bến Tre 12 ca, Kiên Giang 5 ca, Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong... Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong vì bệnh dại trên người chủ yếu là do không tiêm vắc xin ngừa bệnh dại khi bị động vật nghi dại cắn. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp và công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn. Đó là nhận định và phân tích của Bộ Y tế.

benh.jpg
Xử lý vết thương sau khi bị cắn. Ảnh minh họa.

Tại Bình Thuận, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2 ca tử vong vì bệnh dại. Trường hợp thứ nhất, bệnh nhân nam 58 tuổi ở thị trấn Liên Hương (Tuy Phong) tử vong vào ngày 9/6/2022. Trước đó 2 tháng, bệnh nhân bị chó cắn và không tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại. Trường hợp thứ 2, bệnh nhân nam 49 tuổi tại thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc) bị chó chạy rông cắn vào ngày 30/7/2022, đã xử lý vết thương, cũng không tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại. Sau 1 tháng, trường hợp này phát bệnh, được thăm khám các cơ sở y tế của Bình Thuận và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù các bác sĩ tích cực điều trị, nhưng bệnh nhân không qua khỏi, tử vong vào ngày 28/9/2022.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thông qua điều tra dịch tễ, 2 bệnh nhân tử vong vì bệnh dại như đề cập trên chủ quan không tiêm ngừa vắc xin phòng dại khi bị chó cắn. Con chó cắn bệnh nhân cũng chưa được tiêm ngừa bệnh dại. Khu vực mà bệnh nhân bị chó cắn chưa ghi nhận thêm trường hợp chó, mèo lên cơn dại. Khi bị chó, mèo cắn, hoặc liếm vào vết thương, dù là vật nuôi trong nhà thì người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý, tiêm phòng dại.

Các giải pháp

Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 6.000 lượt người tiêm vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Số lượng người bị chó, mèo cào, cắn không hề nhỏ, lên đến hàng ngàn người. Trong đó, có hơn 5.300 trường hợp bị chó cắn, cào chiếm tỷ lệ 88%. Số còn lại rơi vào các trường hợp bị mèo, dơi và các động vật khác cắn, cào… Thực trạng, chó, mèo không được rọ mõm thường xuyên chạy rông ngoài đường, cắn người, gây tai nạn, phóng uế bừa bãi. Điều này gây bức xúc cho nhiều người trong cộng đồng.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo chỉ đạt khoảng 40%. Nghĩa là còn 60% tổng đàn chó, mèo chưa được tiêm vắc xin, nguy cơ lây bệnh dại từ động vật sang người rất cao. Để ngăn chặn bệnh dại lây sang người, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại trên động vật cần phải đạt ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại cũng như đạt mục tiêu chương trình quốc gia về phòng bệnh dại 2022 - 2030, Bộ Y tế vừa yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn. Mỗi huyện, thị đảm bảo có 1 điểm tiêm vắc xin phòng dại. Các tỉnh có nguy cơ cao, thì thành lập thêm các điểm tiêm vắc xin phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại sau phơi nhiễm. Người dân phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại kịp thời khi bị chó, mèo, động vật khác cắn, cào. Đặc biệt, không chữa bệnh dại theo dân gian truyền miệng sau khi bị chó, mèo cắn, cào. Người nuôi chó, mèo phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh trường hợp cắn người gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dại đến năm 2030, trong đó bố trí kinh phí địa phương để triển khai hoạt động phòng, chống bệnh dại; xử lý kịp thời các ổ dịch trên người và động vật. Đồng thời, xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ 1 phần chi phí tiêm vắc xin phòng dại cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người tham gia phòng, chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao...    

TRANG MINH