Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10): Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái
Xã hội - Ngày đăng : 05:47, 11/10/2022
Cách đây 11 năm, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 11/10 hàng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái. Mục đích của ngày này là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn. Mỗi năm tổ chức Liên Hiệp Quốc sẽ chọn một chủ đề riêng.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2022, đồng thời trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới, sở đã kêu gọi các cấp, các ngành chú trọng các hoạt động truyền thông thiết thực, đồng bộ, tiết kiệm phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Trong đó, tập trung phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình nhằm thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái.
Đồng thời, tuyên truyền về các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như Pháp lệnh Dân số; Nghị định 104 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Quyết định số 468 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng MCBGTKS. Vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái...
Để đạt mục tiêu đề ra, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền tốt việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), MC BGTKS, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là việc sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, triển khai lồng ghép các nội dung dân số vào chương trình của ngành mình.
Riêng tuyến huyện, các phòng văn hóa – thông tin – thể thao huyện và các ngành, đoàn thể triển khai đa dạng các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tác động tích cực, có hiệu quả việc thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em gái... Đặc biệt là chú trọng truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube của Tổng cục DS-KHHGĐ. Thực hiện nhân bản và phân phối các sản phẩm truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, phòng tránh thai; chăm sóc sức khỏe sinh sản và MCBGTKS cho các đơn vị y tế cơ sở… Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của xã hội, đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của việc nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái nhằm hướng đến một xã hội bình đẳng.