Hỗ trợ tối đa lãi suất giúp khách hàng phục hồi sản xuất

Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 12/10/2022

Có thể nói, hơn một năm qua bên cạnh tình hình dịch Covid-19 lây nhiễm rộng, thì giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu tăng cao dẫn đến các mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng theo.

Trong khi đó, đầu ra của các sản phẩm nông sản có chiều hướng giảm, nhất là sản phẩm thanh long không tiêu thụ được; nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp giá cả không ổn định… Vì thế, không ít hộ nông dân, ngư dân, doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng băn khoăn, lo lắng trước nguy cơ bị phá sản, không đủ tiền trả nợ.

dsc_3856.jpg

Trước thực tế khó khăn chung đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, giảm phí. Căn cứ vào khả năng tài chính của từng tổ chức tín dụng – hội sở chính của ngân hàng để có những quy định cụ thể về điều kiện, mức giảm lãi suất phù hợp. Trên tinh thần chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cắt giảm tối đa các loại phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng; từng tổ chức tín dụng, căn cứ vào năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện cắt, giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác.

dsc_3849.jpg

Đồng thời, công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ cùng các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp nắm bắt. Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững… Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. 16 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cam kết thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của ngân hàng thực hiện từ 15/7/2021 đến 31/12/2021. Các chi nhánh ngân hàng đã triển khai thực hiện giảm lãi suất vay cho khách hàng với mức giảm từ 0,25% đến 1,5%/năm như: Chi nhánh ngân hàng Công thương, Ngoại thương, Đầu tư, Sài Gòn Thương tín, Kỹ thương, Việt Nam Thịnh vượng, Quân đội, HD Bank. Riêng chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) Bình Thuận đã thực hiện hàng loạt chương trình giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ… Đồng thời, Agribank Bình Thuận đã thực hiện thêm gói giảm lãi suất thấu chi cho khách hàng. Kể từ ngày 15/12/2021 đến 30/6/2022 tất cả khách hàng đang sử dụng dịch vụ thấu chi được giảm lãi suất xuống còn 7,5%/năm. (Trước đây Agribank áp dụng lãi suất 9,9%/năm và hiện nay Agribank dành 25.000 tỷ đồng để cho khách hàng vay thấu chi với lãi suất 7,5%/năm). Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Thuận đã tăng cường giám sát, nhắc nhở việc thực hiện giảm lãi suất của 16 ngân hàng thương mại như đã cam kết.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trước thực trạng khó khăn chung các ngân hàng đã tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Việc hỗ trợ lãi suất vay và cắt giảm các loại phí của các ngân hàng trên địa bàn Bình Thuận đã góp phần ổn định cuộc sống người dân, nhất là vùng nông thôn và giúp khách hàng từng bước phục hồi, phát triển kinh tế.

ĐÌNH HÒA