Chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ mới
Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 12/10/2022
Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức
Cùng với tình hình chung của đất nước, 15 năm qua, Bình Thuận đã có nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh nhà. Nhiều cơ chế, chính sách về đào tạo, tập hợp, thu hút đội ngũ trí thức trong tỉnh, ngoài tỉnh và ở nước ngoài được thực hiện. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đội ngũ trí thức tỉnh nhà đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, động lực to lớn trong quá trình xây dựng phát triển của tỉnh. Thông tin từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 47.000 người có trình độ đại học trở lên đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Để tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đánh giá khách quan các nhân tố tác động đến đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức. Cùng với đó, thực hiện các chính sách, cơ chế đãi ngộ với đội ngũ trí thức hoặc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các trạm, trại, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, bệnh viện, trường học…
Cùng với đào tạo, trong đó có liên kết đào tạo trong nước và đào tạo ở nước ngoài; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ gắn với vị trí công tác được giao, số lượng CB, CC, VC có trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã liên kết với các trường đại học của TP. Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia... đào tạo, bồi dưỡng cho gần 58.000 lượt CB, CC, VC từ tỉnh đến xã để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tiếng dân tộc... Hiện nay, đội ngũ trí thức tỉnh hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đã và đang có những đóng góp quan trọng mang tính quyết định cho sự phát triển của tỉnh.
Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc xây dựng đội ngũ trí thức còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức ở một số cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự đầy đủ và sâu sắc. Mặt khác, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu với sự phát triển hiện nay của địa phương. Năng lực sáng tạo, khả năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng so với yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm góp phần vào sự nghiệp chung của tỉnh.
Đẩy mạnh đào tạo, sử dụng trí thức
Để đội ngũ trí thức tỉnh nhà thật sự trở thành lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương xác định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đồng thời, tiếp tục phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 27 và các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ trí thức nhằm nâng cao nhận thức hơn về trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, phát huy tính sáng tạo, tinh thần hợp tác trong hoạt động khoa học công nghệ.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng trí thức, nhất là các trí thức trẻ, nữ, dân tộc thiểu số, trí thức có năng lực, phẩm chất tốt, có triển vọng phát triển. Gắn đào tạo, bồi dưỡng với nghiên cứu khoa học phục vụ các lĩnh vực đời sống xã hội tỉnh có nhu cầu. Rà soát đội ngũ trí thức vừa có tâm, vừa có tài trong các cơ quan, đơn vị để xem xét, bố trí ở lĩnh vực, ngành nghề là thế mạnh của tỉnh và đang có nhu cầu. Khuyến khích, tạo điều kiện nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân để phát triển các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm lợi thế của tỉnh.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chủ trương đặt hàng cho các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín, đội ngũ trí thức của tỉnh tham gia đề xuất, nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Triển khai các nội dung liên quan để phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với xã hội trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Năm 2008, toàn tỉnh có 22.833 cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC); trong đó, có 4 người có trình độ tiến sĩ/chuyên khoa II; 259 thạc sĩ/chuyên khoa I; 7.275 đại học... thì đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 28.703 CB, CC, VC; trong đó có 33 người có trình độ tiến sĩ/chuyên khoa II; 905 thạc sĩ/chuyên khoa I; 16.651 đại học...