Đường nội đồng mất an toàn giao thông
Đời sống - Ngày đăng : 08:48, 12/10/2022
Đường nội đồng nhếch nhác
Những năm gần đây thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi. Cơ sở hạ tầng bao gồm đường giao thông được đầu tư nâng cấp, góp phần thay đổi diện mạo tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được bê tông hóa, nhất là các tuyến giao thông nội đồng dẫn đến khu vực sản xuất.
Những tuyến đường này trước đây chỉ phục vụ sản xuất, nhưng nay phục vụ cả dân sinh vì ngày càng nhiều người dân làm nhà ở tại rẫy để tiện việc canh tác, thậm chí còn mua đất làm nhà ở, vì giá đất ở đây rẻ hơn so với trong khu dân cư.
Điển hình, khu vực Láng Cỏ, Hốc Lá hay còn gọi là tổ 6, tổ 7 thôn Hiệp Thuận, xã Tân Hải, thị xã La Gi có tuyến đường nội đồng lầy lội dài khoảng 3 km bắt đầu từ cuối đường Mai Thúc Loan đến rừng keo lá tràm của Tổ lâm nghiệp số 1, Trạm lâm nghiệp Tân Tiến thuộc Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Tân (Lâm trường). Trước đây là núi rừng, hầu như không có ai ở, nhưng nay đông đúc. “Cách đây 20 năm người dân chỉ vào làm rẫy và vận chuyển nông sản ra bên ngoài bằng xe bò. Kể từ sau khi thôn Hiệp Thuận tách ra từ thôn Hiệp Hòa, nhiều người đến đây sinh sống và canh tác”, Ông Nguyễn Tấn Vương - Trưởng thôn Hiệp Thuận cho biết.
Tương tự, khu vực sản xuất lúa, thanh long thuộc tổ 5, thôn 4, xã Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc từng một thời hoang vắng không người ở, nhưng nay khá đông người ở canh tác, cùng lưu thông trên một tuyến đường nội đồng lầy lội, để ra được bên ngoài.
Mất an toàn giao thông
Chưa được bê tông hóa, trong khi mật độ giao thông cao với xe trọng tải lớn vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng, bao gồm cả khoáng sản trái phép nên đường hư hỏng nặng với ổ gà, ổ voi. Mùa nắng bụi bặm, mùa mưa lầy lội ảnh hưởng lớn việc đi lại, đặc biệt con em đến trường. Nhiều người tham gia giao thông bị té ngã, nhất là phụ nữ.
Chị Nguyễn Thị Thanh, 34 tuổi ở thôn Hiệp Thuận chia sẻ: Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa khổ lắm, chở con đi học té ngã thường xuyên. Bàn chân tôi luôn trong tình trạng bầm giập tím đen vì té ngã”. Với chị Nguyễn Thị Thành, 36 tuổi cùng thôn chỉ tay vào vết thương còn hằn sẹo trên chân nói: Gãy 2 lần rồi! đường sá đi lại khó khăn mong ngành chức năng quan tâm làm đường, chứ kiểu này khó sống. Có lúc khốn khổ vô cùng, nhà 4 đứa con nhỏ, chồng bệnh, tôi thì bị thương tật ngồi trên giường... bà Thành nói thêm.
Tình trạng này không chỉ riêng hai nơi trên mà nhiều người dân ở nơi khác có đường nội đồng chưa được bê tông hóa cũng đang như vậy.
Với những tuyến thuộc xã quản lý như đường nội đồng ở tổ 5, thôn 4, Hồng Sơn được bê tông hóa theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nghĩa là nhà nước và nhân dân cùng làm nên nhiều tuyến đang nằm trong kế hoạch triển khai. Nhưng với đường do tỉnh, huyện quản lý, người dân đang mong các cấp ngành quan tâm làm đường để không mất an toàn giao thông, thuận tiện đi lại. UBND xã Tân Hải đang mong ngành chức năng sớm có kế hoạch triển khai làm tuyến đường như phản ánh trên.