Ngăn ngừa tai nạn giao thông đối với trẻ em

Pháp luật - Ngày đăng : 21:29, 13/10/2022

Với độ tuổi chưa có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều các quy định về Luật Giao thông đường bộ, nếu không trang bị tốt kỹ năng lái xe, thì trẻ em và trẻ ở độ tuổi vị thành niên rất dễ trở thành người vi phạm và nạn nhân của tai nạn giao thông (TNGT).

Những vụ tai nạn đau lòng

Đến nay dù đã hơn 1 tháng rưỡi trôi qua, nhưng mọi người vẫn chưa quên hình ảnh vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển phương tiện là trẻ em gây ra làm 1 người tử vong. Chiều ngày 24/8 tại ngã 4 giao nhau giữa đường Lý Thường Kiệt và hương lộ xã Hòa Minh – Phan Rí Cửa, xe gắn máy 86AB – 029.42 do ĐMP điều khiển theo hướng chợ Phan Rí Cửa đi xã Chí Công, chở sau HQP (cùng SN 2007, trú tại Phan Rí Cửa) đã tông vào xe mô tô do ĐMQ (SN 1986, ngụ Phan Rí Thành, Bắc Bình) điều khiển. Hậu quả làm Q tử vong, HQP bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu là do ĐMP điều khiển xe máy không nhường đường.

2b79abc3ab076f593616-6185.jpg
Vụ tai nạn giao thông xảy ra tại xã Phan Rí Thành (Bắc Bình).

Ngày 18/9, trên quốc lộ 1A qua xã Phan Rí Thành (Bắc Bình) một vụ TNGT đau lòng liên quan đến học sinh cũng xảy ra. Xe tải do Vũ Văn Triều (SN 1985, trú Thái Bình) điều khiển, sau khi tông vào xe mô tô do ông LVH (SN 1957, trú xã Phan Rí Thành) điều khiển chở sau ông ĐVL (SN 1947) đang qua đường, thì xe tải tiếp tục lật nghiêng xuống đường va chạm vào xe đạp do em LCC (SN 2007, trú xã Phan Rí Thành), là học sinh lớp 10 điều khiển, đang dừng chờ qua đường tại đoạn mở dải phân cách. Hậu quả, ông L và em C tử vong tại chỗ, ông H bị thương nặng. Đó là 2 trong số nhiều vụ tai nạn điển hình mà nạn nhân và người điều khiển có liên quan đến trẻ em xảy ra thời gian gần đây.

Trang bị kỹ năng an toàn giao thông cho trẻ

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2021, cả nước xảy ra hơn 11.000 vụ TNGT, trong đó có 10,3% số vụ liên quan đến người dưới 18 tuổi. Còn tại Bình Thuận, theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, 9 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn liên quan đến người dưới 18 tuổi, chiếm 5,9% trong 185 vụ TNGT.

Thực tế hiện nay cho thấy, hầu hết các bậc phụ huynh đều trang bị phương tiện xe gắn máy phân khối nhỏ hay xe máy điện, xe đạp điện cho các em ở độ tuổi trẻ em hay thanh thiếu niên để làm phương tiện di chuyển hay đi học. Tuy nhiên, đây là độ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, do vậy rất dễ xảy ra TNGT. Hiện nay khi đi trên đường phố, không khó để bắt gặp nhiều học sinh trung học sơ sở, trung học phổ thông điều khiển xe gắn máy, xe điện chạy với tốc độ cao, dàn hàng hai, ba, vượt đèn đỏ, qua đường không xi - nhan báo hiệu… Đó là chưa kể một bộ phận các em đang trong độ tuổi trưởng thành thích thể hiện bản thân với bạn bè và người xung quanh qua cách thể hiện điều khiển phương tiện như: phóng nhanh, đua xe, bốc đầu, nẹt pô…

Mặc dù hiện nay công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đang được các cơ quan chức năng, nhà trường tổ chức tuyên truyền, quán triệt thường xuyên bằng nhiều hình thức. Trong đó đối với các cơ sở giáo dục kết hợp giữa nhà trường, gia đình qua việc tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường về việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe 2 bánh chạy bằng điện tham gia giao thông… Đây là những giải pháp căn bản để giảm rủi ro thương tật do tai nạn giao thông ở trẻ em và học sinh.

Có thể thấy, để ngăn ngừa tai nạn giao thông đối với trẻ em, ngoài nhà trường, các cơ quan chức năng, thì gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, cha mẹ, người thân trong gia đình thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các quy định của pháp luật, về kỹ năng lái xe an toàn cho trẻ là hết sức quan trọng để các em nâng cao ý thức khi tham gia giao thông để tránh rủi ro TNGT.

Trần Huỳnh