Bình Thuận hướng đến PCI năm 2018: Phía trước là “Top 20”

Kinh tế - Ngày đăng : 08:38, 27/06/2018

BT- Tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. Kết quả cho thấy, chỉ số này của Bình Thuận tăng 8 bậc so năm trước đó với 63,34 điểm, cao hơn điểm trung vị của cả nước là 1,16 điểm và xếp hạng thứ 24/63 trên toàn quốc. Còn xét cụ thể 10 tiêu chí PCI trong năm vừa qua, Bình Thuận có 7 tiêu chí tăng điểm - 3 tiêu chí giảm điểm và có 5 tiêu chí tăng bậc - 5 tiêu chí giảm bậc… Hướng đến năm 2018 và những năm tiếp theo, Bình Thuận đề ra mục tiêu phấn đấu đưa xếp hạng PCI của địa phương nằm trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước.
                
      
Sản phẩm đặc trưng của Bình Thuận do doanh    nghiệp địa phương sản xuất, kinh doanh luôn được hỗ trợ xúc tiến    thương mại bằng nhiều hình thức.

Hướng về doanh nghiệp…

Đáng chú ý trong PCI năm 2017 của Bình Thuận, về “Chi phí gia nhập thị trường” (đứng thứ 13) dù giảm 2 bậc nhưng vẫn thuộc nhóm những chỉ số có xu hướng cải thiện tốt nhất. Được như vậy là nhờ địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp xóa bỏ rào cản và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh cũng như cải thiện tốt môi trường đầu tư theo các nghị quyết của Chính phủ. Trong đó luôn quan tâm công khai các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện hoặc chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nên góp phần giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. Khảo sát thực tế cũng chứng minh: Có 93% doanh nghiệp cho rằng cán bộ ở bộ phận “Một cửa” hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ, nhiệt tình và thân thiện, vì vậy thời gian đăng ký doanh nghiệp, công bố mẫu dấu đã rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày…

Với các tiêu chí khác, “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” cũng tăng 14 bậc (đứng thứ 17) và có 73% doanh nghiệp cho rằng sự thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp sự thay đổi giá trị thị trường. Đồng thời tỷ lệ doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đạt 65%, còn số ngày doanh nghiệp chờ đợi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày… Đặc biệt, tiêu chí “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” của tỉnh sau hai năm liên tục giảm bậc thì năm qua đã tăng trở lại với mức tăng 35 bậc (đứng thứ 23). Điểm nhấn là trong năm 2017, địa phương phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng tạo cơ hội cho nhà đầu tư, tổ chức quốc tế tìm hiểu, quyết định lựa chọn lĩnh vực đầu tư.

Đánh giá PCI năm vừa qua cũng ghi nhận “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” nhằm trong nhóm tiêu chí tăng tốt nhất với 14 bậc (đứng thứ 36), “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” cũng tăng 14 bậc (đứng thứ 10), “Chi phí không chính thức” tăng 3 bậc (đứng thứ 24). Theo các doanh nghiệp, có gần 70% cho rằng Bình Thuận vận dụng pháp lý linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân, gần 90% doanh nghiệp nhận được phản hồi của cơ quan nhà nước sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc và 88% hài lòng với phản hồi hay cách giải quyết của cơ quan nhà nước… 

“Top 20” không còn xa

Để vào “Top 20” của cả nước, chắc chắn Bình Thuận phải nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó cần phát huy kết quả của 7 tiêu chí tăng điểm cũng như khắc phục tồn tại trong 3 tiêu chí giảm điểm. Thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp nữa là tập trung rà soát, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách có liên quan doanh nghiệp hoặc một số luật còn chồng chéo (như luật về đầu tư, đất đai, môi trường…) để tạo hành lang pháp lý, giúp doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật.

Bên cạnh thiết lập hệ thống hạ tầng mạng tạo điều kiện thuận lợi để các sở ngành kịp thời cung cấp thông tin, công bố quy hoạch, kêu gọi đầu tư thì việc thực hiện tốt cơ chế, chính sách của nhà nước vẫn được chú trọng triển khai… Tính trong nửa đầu năm 2018, tại Bình Thuận đã có gần 600 doanh nghiệp mới được thành lập (tăng 48,6% so cùng kỳ năm 2017) với vốn đăng ký là 7.196 tỷ đồng (tăng 17,8% so cùng kỳ). Con số này tăng cao hơn mức bình quân chung của cả nước và khu vực Đông Nam bộ, góp phần đưa số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Bình Thuận hiện có lên 6.152 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 83.140 tỷ đồng. Đến nay đã có hơn 3.680 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, chiếm 60% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và tăng gần 11% so thời điểm này năm trước. Để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, địa phương sẽ duy trì tổ chức nhiều hoạt động thiết thực về xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cũng hướng đến cải thiện và sớm đưa PCI vào “Top 20” của cả nước, Bình Thuận còn tính đến các giải pháp tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là đầu tư dự án giao thông. Qua đó tạo sức cạnh tranh trong liên kết vùng để kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trên cả nước, giúp việc đi lại thuận lợi và hàng hóa của doanh nghiệp địa phương lưu thông dễ dàng hơn. Mặt khác sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm nhằm tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, an toàn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn Bình Thuận…

QUỐC TÍN