Nông dân ủy thác xuất khẩu thanh long cho hợp tác xã

Kinh tế - Ngày đăng : 08:46, 09/07/2018

BT- Sau 1 năm thành lập, sản lượng xuất khẩu thanh long sang thị trường châu Âu của Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến đã tăng gấp 10 lần. Hiện nay trung bình mỗi tháng, HTX thanh long Thuận Tiến xuất hơn 20 tấn thanh long sang thị trường các nước Pháp, Đức, Hà Lan… Sự thành công của HTX thanh long Thuận Tiến đã góp phần mở thêm hướng đi mới cho thanh long Bình Thuận.
                
Thanh long được kiểm tra kỹ trước khi đóng    gói.

Tiên quyết là chất lượng

HTX thanh long Thuận Tiến được thành lập vào tháng 10/2016 với 12 thành viên. Ông Trần Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX thanh long Thuận Tiến cho biết: Tiền thân của HTX là tổ sản xuất thanh long VietGAP Thuận Tiến. Năm 2009, tổ đã có 100% thành viên sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP cho khoảng 40 ha. Thời điểm đó, Tổ thanh long VietGAP Thuận Tiến là đơn vị đầu tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP của Bình Thuận. Để bảo đảm đạt chuẩn xuất khẩu, HTX thanh long Thuận Tiến đã đầu tư nhà đóng gói với diện tích 500 m2. Hợp tác xã còn tiến hành thiết kế logo và bao bì để khẳng định thương hiệu. “Những năm 2014 – 2015, giá thanh long lên xuống thất thường. Nhưng với những nhà vườn ký được hợp đồng với các công ty ở TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu sang thị trường châu Âu thì giá cả rất ổn định. Vì vậy, HTX tiến hành nghiên cứu, tìm đối tác để xuất khẩu thanh long trực tiếp sang thị trường này. 

Để thực hiện điều này, HTX đã đưa sản phẩm tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm cấp vùng, cấp tỉnh, cấp quốc gia… nhằm giới thiệu trái thanh long với thương hiệu thanh long HTX Thuận Tiến. Hằng năm, HTX thanh long Thuận Tiến đều tổ chức cho các thành viên tham gia nhiều cuộc hội thảo và tập huấn kỹ năng chăm sóc, xử lý, thu hoạch, bảo quản cây và trái thanh long. Trong đó, kỹ thuật chăm sóc trái từ lúc đơm bông cho đến ngày thu hoạch luôn được các thành viên trong HTX trao đổi, để đảm bảo trái thanh long vừa có trọng lượng lớn mà ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đầu năm 2017, nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất thanh long VietGAP một cách chặt chẽ và được sự hỗ trợ của Socencoop, dự án Mutrap do Liên minh châu Âu tài trợ, HTX thanh long Thuận Tiến đã đạt được chứng chỉ GlobalGAP.

 Chinh phục thị trường khó tính

“Tại hội chợ quốc tế Fruit Logistica 2017, HTX thanh long Thuận Tiến đã ký kết hợp tác bước đầu với Công ty Landgard. Công ty Landgard là nhà phân phối trái cây và rau củ quả hàng đầu của Đức. Đây được xem là bước khởi đầu, mở đường cho HTX thanh long Thuận Tiến chinh phục thị trường Đức khó tính. Đến nay sản lượng thanh long của các thành viên HTX không đủ để xuất khẩu”, ông Trung chia sẻ.

Hiện nay, HTX thanh long Thuận Tiến đang hoạt động theo mô hình ủy thác. Trước mỗi mùa vụ, HTX sẽ hợp đồng với các thành viên về thời hạn thanh toán và giá thu mua thanh long. Hiện nay, HTX đang bán thanh long với giá 26.000 đồng/kg. Trong đó, người trồng hưởng 22.000 đồng còn 4.000 đồng là chi phí trả cho công nhân đóng gói, vận chuyển và chi phí khác. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX thanh long Thuận Tiến đã áp dụng một quy trình riêng. Khi thành viên báo có thanh long chín, HTX sẽ cử người xuống kiểm tra trái, các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm trước khi đóng gói. Xã viên cũng phải chịu trách nhiệm về trái thanh long của mình cho đến khi được xuất khẩu sang nước bạn.

“Thành công của HTX thanh long Thuận Tiến hiện nay xuất phát từ việc lo cho quyền lợi của thành viên trước. Khi đã ổn định đầu ra cho trái thanh long thì thành viên hợp tác xã mới yên tâm sản xuất. Hiện nay HTX xuất khẩu mỗi tuần khoảng 50 tấn thanh long sang thị trường châu Âu nhưng sản lượng của các xã viên không đủ để đáp ứng. Sắp tới, thông qua Hội Phụ nữ tỉnh, HTX sẽ kết nạp 13 thành viên mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Trần Đình Trung Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thanh long Thuận Tiến cho biết thêm.

Với cách làm năng động, sáng tạo mà HTX Thanh long Thuận Tiến đang áp dụng, đã góp phần giúp nông dân tìm được hướng ra ổn định hơn cho trái thanh long.

Nguyễn Luân