Công tác xúc tiến thương mại của tỉnh: Quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 08:03, 19/07/2018

BT- Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh phối hợp với các tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các hiệp hội ngành hàng đã có sự quan tâm hơn đến việc hỗ trợ doanh nghiệp thành viên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Một số doanh nghiệp đã có đầu tư kinh phí chủ động xây dựng các chương trình khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
                
   Ảnh: Đ.Hòa

Đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương tại Mông Tự, Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Hội chợ Xuân Bạc Liêu 2018; Hội chợ triển lãm nhịp cầu xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư TP. Sa Đéc (Đồng Tháp); Hội chợ thương mại khu vục miền Đông và Tây Nam bộ kết hợp Ngày hội nước mắm huyện Phú Quốc; Hội chợ triển lãm nông nghiệp - công nghiệp - thương mại Vĩnh Long; Lễ hội bánh dân gian Nam bộ; Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ và hàng quà tặng Việt Nam; Chương trình “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2018 tại hệ thống siêu thị AEON, Nhật Bản” và “Tuần hàng nông sản Việt Nam tại chợ đầu mối nông sản quốc tế Rungis - Pháp”; Phiên chợ hàng Việt về miền núi năm 2018 tại tỉnh Đắk Lắk; Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2018.

Đồng thời tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 28 (Vietnam Expo 2018) tại Hà Nội từ ngày 11 - 14/4 tại Trung tâm triển lãm quốc tế Hà Nội để quảng bá sản phẩm lợi thế của tỉnh, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm của doanh nghiệp tham gia giới thiệu tại hội chợ thu hút đông người tiêu dùng quan tâm và dùng thử; qua đó quảng bá được thương hiệu, tiếp cận, nắm bắt nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường khu vực Hà Nội. Thực hiện được một số chương trình liên kết các tỉnh khu vực phía Nam, 3 tỉnh (Bình Thuận - Lâm Đồng – Ninh Thuận), hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tham gia mở rộng thị trường. Tổ chức cho 17 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với 30 gian hàng tại phiên chợ hàng Việt về huyện đảo Phú Quý, các doanh nghiệp đã đưa đến huyện đảo các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống như dầu ăn, bột giặt, bếp gas, quần áo... có nguồn gốc sản xuất trong nước, chất lượng tốt, giá cả giảm từ 10 - 30% so cùng chủng loại trên thị trường. Tham gia “Chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền thông qua hệ thống chợ (PMAX 2018) - chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức từ ngày 11 - 15/5 tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai)...

Hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng đồng thời mở rộng được thị trường tiêu thụ hàng hóa tại các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hà Nội, Quảng Ninh, Đắk Lắk... Việc kết nối thông tin với doanh nghiệp được cải thiện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác bạn hàng, phát triển thị trường, khẳng định thương hiệu nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại mang tính khu vực, vùng, sự kiện nằm trong các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và của tỉnh. Hoạt động xúc tiến thương mại đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng đại lý tiêu thụ hàng hóa và đối tác để tiến tới xuất khẩu hàng hóa.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin với các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp từng thị trường để triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, của tỉnh bạn và của tỉnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầy đủ các ngành hàng của tỉnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại của địa phương để nâng cao hiệu quả chương trình. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh; bản thân các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh để phát triển sản phẩm địa phương.

    
    Do   nguồn kinh phí còn thấp, hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh   nghiệp còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí nên chưa tham gia được nhiều   các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và các chương trình xúc   tiến thương mại quốc gia, còn  trông chờ, ỷ lại vào nguồn kinh phí hỗ   trợ của Nhà nước nên hiệu quả chưa cao.

N.QUỐC