Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2022): Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Chính trị - Ngày đăng : 09:49, 13/10/2022
Dân vận hướng về cơ sở
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về công tác dân vận, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng và dành sự đầu tư thỏa đáng cho công tác dân vận. Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương để phát huy vai trò của nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhờ đó, đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống của người dân.
Có thể thấy rõ, năm 2022 đang diễn ra với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế - xã hội đã và đang tăng tốc. Quan trọng hơn hết là sự đồng tỉnh ủng hộ của nhân dân với những chủ trương, quyết sách quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phòng, chống và xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trong những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của công tác dân vận.
Theo lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian qua, Ban Dân vận đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, định hướng, kiểm tra, đôn đốc, phát huy vai trò là trung tâm phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các huyện, thành phố trong việc triển khai, thực hiện các chương trình, đề án, nghị quyết của tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân, chú trọng gắn lợi ích của người dân, phù hợp lòng dân, tạo động lực cho sự phát triển. Đặc biệt, trong quý III/2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy và một số ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề, vụ việc nổi lên trong nhân dân. Đáng chú ý là những vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân thuộc dự án đường Lê Duẩn, TP. Phan Thiết; việc xả thải gây mô nhiễm môi trường ở các trang trại chăn nuôi heo; các vấn đề liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo… Qua đó, Ban Dân vận đã tổng hợp báo cáo và đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện các hoạt động, phong trào thi đua thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa phương chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, qua đó đã có 570 công trình, phần việc được thực hiện trị giá gần 15 tỷ đồng…
Quan tâm giải quyết bức xúc trong nhân dân
Phát huy thành quả đạt được, trong thời gian tới và năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng về công tác dân vận trong toàn hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Đặc biệt là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác dân vận; Nghị quyết số 25của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 23 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Quan tâm làm tốt công tác sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo. Tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận. Đội ngũ cán bộ, đảng viên tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và phương thức nắm tình hình nhân dân theo hướng chủ động, thiết thực, hiệu quả. Công tác dân vận hướng về cơ sở, chủ động nắm chắc tình hình, đời sống, tâm trạng các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, khó khăn, biên giới, hải đảo, địa bàn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Đấu tranh, phản bác các thông tin không đúng, luận điệu xuyên tạc, chia rẽ, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Song song, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của theo hướng sát cơ sở, thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong toàn hệ thống chính trị, gắn với động viên các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; hưởng ứng và thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, trong công tác dân vận nhằm cổ vũ tinh thần phục vụ nhân dân, phát huy tiềm năng, trí tuệ trong nhân dân đóng góp cho xã hội, cho phát triển đất nước.