Cử tri gửi gắm nguyện vọng vào các dự án luật

Chính trị - Ngày đăng : 05:29, 17/10/2022

Trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã tiếp xúc cử tri tại nhiều địa phương trong tỉnh để thông báo dự kiến thời gian, chương trình kỳ họp và tiếp thu những kiến nghị của cử tri. Một trong những nội dung được cử tri quan tâm là có nhiều luật liên quan trực tiếp đến cơ sở, người dân, được cử tri nêu nhiều ý kiến đóng góp.

Sớm sửa đổi Luật Đất đai

Tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án luật, trong đó phải kể đến Luật Đất đai (sửa đổi) được cử tri rất mong mỏi sớm ban hành. Bởi đây là dự án luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến từng địa phương, từng cấp chính quyền, từng người dân, có nhiều nội dung mới, mang lại tác động lớn, nhất là đối với các địa phương đặc thù về đất đai. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các buổi tiếp xúc cử tri hầu hết đều có kiến nghị liên quan đến Luật Đất đai. Cử tri trong tỉnh đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 vì trong thực tế thi hành có rất nhiều vướng mắc, dẫn tới tỷ lệ khiếu nại về đất đai rất cao.

fdf5484e-6688-4a3f-a475-92579ce61c86.jpeg

Minh chứng, cử tri huyện Tuy Phong nêu những bất cập về chính sách bồi thường, hỗ trợ, đặc biệt là quy định về việc thu đất nông nghiệp và đất thổ cư để Nhà nước đầu tư hạ tầng, tiếp tục đấu giá đất rất khó khăn. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn đối với những trường hợp tranh chấp đất đai. Việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm.

Còn ở chính quyền địa phương, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, triển khai quy hoạch có nhiều bất cập. Ví dụ, khi thực hiện sáp nhập giữa xã Hòa Phú và thị trấn Phan Rí Cửa từ 48.000 dân sau khi sáp nhập hiện nay hơn 55.000 dân. Một địa bàn khá phức tạp, tương đối rộng, dân đông, nhu cầu đời sống bà con cao nhưng khả năng điều hành chính quyền địa phương gặp khó khăn vì nhân lực mỏng, dẫn đến công tác quản lý, quy hoạch gặp nhiều bất cập.

Cử tri mong muốn Quốc hội sớm xem xét nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai. Qua đó, tạo được sự đồng bộ, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất… Đồng thời, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư; tránh tình trạng khiếu kiện, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư.

25a86f76-d7dd-4bc9-a895-fa4717e68599.jpeg
Cử tri huyện Tuy Phong kiến nghị

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cũng tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cử tri cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ phát triển mới.

Cử tri trong tỉnh kiến nghị, hiện nay tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chưa được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ nên xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm. Nhất là hàng hóa kém chất lượng thâm nhập vào các trường học, chợ... gây nguy ngại đến sức khỏe của người dân và ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ, giá thành các mặt hàng thiết yếu trong nước. Cử tri mong muốn Quốc hội xem xét thông qua, ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận với những mặt hàng an toàn nhất. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Cử tri hy vọng, tại kỳ họp tới các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận tích cực tham gia thảo luận, có nhiều ý kiến xác đáng, tính khả thi cao để góp phần hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật liên quan khác, tránh tình trạng “luật ống”, “luật khung”, luật mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Thanh Thủy