Bứt phá trong thể dục thể thao
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:01, 17/10/2022
Những nỗ lực luyện tập đã được đền đáp xứng đáng, với trọn vẹn 15 huy chương vàng, 15 huy chương bạc và 23 huy chương đồng. Kết quả ấy không bất ngờ, vì trước đó, luyện tập thể dục thể thao (TDTT) đã thành thói quen của người dân trong huyện.
17 giờ chiều, sân bóng chuyền tại Nhà thi đấu thể thao xã Hàm Mỹ trở nên đông vui với sự có mặt của các thành viên trong đội và những người dân yêu thích bộ môn này. Tại đây, sân bóng chuyền được đổ bê tông, có đường kẻ vạch rõ ràng, lưới bóng chuyền mới được bà con góp tiền mua. Đang khởi động chuẩn bị vào trận đấu, mọi người vui vẻ chia sẻ: “Trừ những ngày mưa quá to không thể ra sân, còn chiều nào chúng tôi cũng tập trung để luyện tập. Người biết chơi dạy cho người chưa biết, cùng nhau học hỏi, nâng cao sức khỏe. Đồng thời qua những buổi chơi thể thao, gặp gỡ, chúng tôi trao đổi qua lại cách trồng trọt, phát triển kinh tế, thông tin câu chuyện gia đình, xã hội”.
Còn bên trong nhà thi đấu, từng tốp đánh cầu lông cũng đang chờ tới lượt. Mọi nhọc nhằn trong cuộc sống thường nhật dường như được bỏ lại, chỉ còn tiếng reo hò, cổ vũ của những cổ động viên nhiệt tình, không phân biệt già trẻ, gái trai.
Ông Võ Ngọc Chương – Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ chia sẻ: Ở xã Hàm Mỹ có 11 sân bóng chuyền, chưa kể 5/6 thôn đều có sân bóng đá, cầu lông. Dù đa số được làm tạm trên bãi đất nương, ruộng bỏ trống nhưng sân, lưới đều đảm bảo yêu cầu thi đấu. Chính sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào TDTT trong nhân dân đã tạo sợi dây gắn kết chặt chẽ, kết nối cộng đồng dân cư, từ đó tăng tinh thần đoàn kết, nghĩa tình giữa các cá nhân trong xã hội.
Không chỉ ở Hàm Mỹ mà phong trào TDTT phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện, từ việc thành lập các đội, câu lạc bộ, người dân chủ động đóng góp kinh phí hoạt động cho đến xã hội hóa xây dựng, nâng cấp thiết chế văn hóa thể thao. Do đó, khu văn hóa, thể thao các thôn được sử dụng, khai thác hiệu quả và nâng cấp thường xuyên. Đến nay, toàn huyện có 4 sân vận động, 17 sân bóng đá mini, 20 sân bóng chuyền, một khu liên hợp thể thao Sơn Trà và hàng chục sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông tự phát.
Nhờ thế, người dân có thể lựa chọn những môn thể thao phù hợp với lứa tuổi, thể lực và đặc thù công việc của mình, từ bóng chuyền, cầu lông, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, đi xe đạp, đi bộ... Ngoài ra, vào các dịp tết, lễ hội còn có các môn thể thao truyền thống như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, cờ tướng. Các hoạt động giao lưu, giải đấu TDTT từ huyện đến cơ sở đều được tổ chức tốt cả về quy mô và chất lượng, đây là cơ sở để tuyển chọn, bồi dưỡng những vận động viên có chất lượng… Và hơn thế, sự phát triển của các phong trào TDTT không chỉ kết nối tinh thần đoàn kết trong cộng đồng mà còn góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh.