Phát huy truyền thống văn hóa gia đình Việt

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:54, 18/10/2022

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình bình an thì xã hội hạnh phúc, vì thế việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống quý báu của gia đình vô cùng quan trọng, mà ông bà, cha mẹ là những tấm gương quý báu nhất cho con cháu noi theo.

Ông bà, cha mẹ là tấm gương giữ nếp nhà

Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” do Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) chủ trì phát động, được cả hệ thống chính trị quan tâm. Phong trào có sự gắn kết với các phong trào quần chúng của địa phương, làm cho gia đình và xã hội có sự gắn bó hữu cơ, tác động tương trợ lẫn nhau.

Ông Đào Xuân Nay – Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh chia sẻ: Trong phát triển kinh tế, NCT ở các địa phương trong tỉnh không chỉ bảo ban, vận động con cháu làm kinh tế mà còn trực tiếp tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện có trên 28.000 hội viên NCT còn trực tiếp tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, trong đó không ít NCT làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, NCT cũng luôn đi đầu tuyên truyền, vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng thôn, khu phố văn hóa; tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

a1ba73ec-ccd4-41ee-acdf-9a47f609f170.jpeg
Các thế hệ chia sẻ giữ gìn nét văn hóa trong gia đình.

Chính sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ trong gia đình đã tác động trực tiếp và sâu sắc đến con cháu, giúp con cháu nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong gia đình và cộng đồng xã hội. Từ đó, sống tôn trọng gia đình, tôn trọng ông bà, cha mẹ, luôn phấn đấu rèn luyện, học tập, công tác tốt, giữ gìn và phát huy uy tín cá nhân để giữ gìn uy tín gia đình, coi gia đình là nơi hội tụ hạnh phúc.

Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu

Trong điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội hiện nay, với sự phát triển và du nhập của nhiều loại hình văn hóa, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân, một bộ phận không nhỏ chạy theo lối sống thực dụng, đua đòi. Vợ chồng, anh em xảy ra mâu thuẫn. Còn con, cháu do ảnh hưởng của mặt trái xã hội có lối sống buông thả, nhận thức còn hạn chế, suy thoái về đạo đức, đối xử với ông bà, cha mẹ không đúng mực, xem nhẹ tình cảm huyết thống gia đình.

Để tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau” kính trọng, bảo vệ và chăm sóc NCT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần thực hiện tốt Đề án hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với gìn giữ và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam, mới đây Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban đại diện Hội NCT, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn đã phát động và kêu gọi các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện và đưa phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh.

Bà Bố Thị Xuân Linh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết: Việc hưởng ứng thực hiện phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” là hành động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nội dung xây dựng gia đình kiểu mẫu “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau” kính trọng, bảo vệ và chăm sóc NCT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Theo đó, các cấp, ngành cần tiếp tục triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương, đơn vị. Đồng thời, thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa cho tất cả các đối tượng.

Không có hạnh phúc nào trong sở hữu đơn thuần, đón nhận từ một phía, hạnh phúc chỉ trọn vẹn khi biết cho đi, biết trao gửi, biết làm đẹp người mình thân quý, kính trọng. Vì thế bậc làm con, làm cháu cần phải hình thành thói quen điều chỉnh thời gian cần thiết để quan tâm săn sóc, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ thể hiện sự tận tâm, tận tụy hiếu thảo. Trong ứng xử hàng ngày bổn phận con cháu phải có thái độ cử chỉ, lời nói, việc làm thể hiện cách ứng xử lễ phép, kính trọng. Lời ăn, tiếng nói phải thể hiện đạo đức, văn hóa của người con, người cháu đối với ông bà, cha mẹ, biết thấu hiểu được những biểu hiện của tuổi tác và lệch pha giữa các thế hệ. Ngoài ra, anh em tôn trọng, khuyên bảo nhau điều hay lẽ phải, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và phát triển…

Thuỳ Linh