Nơi có “trận chiến” là có cựu chiến binh
Xã hội - Ngày đăng : 05:36, 19/10/2022
1. Phú Quý biệt lập đất liền nhưng không vì thế mà thanh thiếu niên không tụ tập, gây rối, đánh nhau, nhất là trong 5 năm qua, khi nơi đây đã bắt đầu nổi lên như một đảo ngọc. Lứa tuổi ẩm ương ấy khiến các tổ chức chính trị xã hội tại đảo phải phối hợp để cảm hóa. Từ danh sách thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật do công an chuyển sang, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp nhận cảm hóa 43 em. Trong đó riêng Hội CCB Phú Quý trực tiếp nhận cảm hóa 12 em, vốn là con em của các hội viên và đến nay hầu hết đều đang hướng đến sống có ích cho xã hội. Hôm đầu tiên gặp gỡ các thanh thiếu niên này, Chủ tịch Hội CCB Phú Quý Trần Thanh Tâm nhớ là các em đều cúi mặt, không trả lời bất cứ câu hỏi tại sao, vì sao, suy nghĩ gì mà lại tham gia nhóm chòm tụ tập, gây rối. Sau khi thông báo hết mọi thông tin cần thiết cho các em hiểu là các chú, các bác bắt đầu “quan tâm” các cháu và gia đình từng ngày, sẽ theo dõi, kiểm tra liên tục, hội đã gặp gia đình các thanh thiếu niên này theo kiểu như chốt lại cách thức quản lý để không cho các em rơi vào con đường phạm pháp. “Rất may là sau đó em nào cũng có chuyển biến tốt, không đến độ phải gặp riêng từng em” – ông Tâm nói.
Không chỉ việc cảm hóa, Hội CCB Phú Quý còn xây dựng hoặc phối hợp các đoàn thể khác hình thành nhiều mô hình tập trung vào các điểm “hiểm yếu”, có nhiều nguy cơ sẽ gây ra những bất ổn nếu không quản lý kịp. Đó là Tổ xe ôm CCB tại cảng Phú Quý. Là Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Là Tổ tự quản an ninh trật tự khu vực biên giới biển…Với nhiều thành tích trong góp phần xây dựng hội vững mạnh, xây dựng kinh tế - xã hội huyện đảo phát triển, các năm qua, Hội CCB Phú Quý có nhiều giấy khen. Kết 5 năm 2017 – 2022, đơn vị đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
2. Hội CCB thành phố Phan Thiết cũng có đề nghị tương tự, khi trong thực hiện nhiệm vụ có nhiều thành tích nổi bật trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, chế độ, bảo vệ nhân dân; trong xây dựng hội vững mạnh; phối hợp các đoàn thể, ban ngành giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thanh niên. Trong đó phải kể đến Hội CCB phường Hưng Long, đơn vị được Hội CCB tỉnh ghi nhận làm nổi bật công tác giáo dục, chính trị tư tưởng, vận động hội viên tham gia hiệu quả các phong trào; tham gia đấu tranh bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân, nền tảng tư tưởng... “Với 3 trang zalo, 4 trang facebook với tên: Hội CCB TP.Phan Thiết, Hội CCB phường Hưng Long, Câu lạc bộ cựu quân nhân phường Hưng Long và Tui yêu mái trường, đơn vị đã thông tin tất cả các hoạt động của hội theo hướng đưa tin tốt, ngăn chặn tin xấu. Nhưng khi có tin xấu độc xuất hiện, hội sẽ kiểm tra, nghiên cứu, báo cáo phường, Ban Tuyên giáo Thành ủy để có đầy đủ thông tin làm rõ hơn vấn đề và phản bác các thông tin sai trên các nền tảng mạng hiệu quả hơn”- ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội CCB phường Hưng Long nói thế.
Với phương cách đấu tranh trên mạng như thế nên trong dân vận, Hội CCB Hưng Long cũng nghiên cứu nhiều cách để nói hội viên, dân chịu nghe, hòa giải được các mâu thuẫn nội bộ. Qua đó, vận động nhân dân xây dựng tình đoàn kết, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Chuyện hòa giải 2 nhà hàng xóm trong vụ lấn đất hàng rào ở khu phố 6, phường Hưng Long mà ông Tuấn kể cho thấy tính chất tấc đất tấc vàng ở TP.Phan Thiết và cả sự nỗ lực kiên trì tới cùng của Ban hòa giải phường. Chuyện là hàng rào giữa 2 nhà lâu nay bị vẹo phía sau, nhưng nhà bên kia trong quá trình xây nhà lại thì xây luôn cả hàng rào thẳng tắp từ trước ra sau. Hai bên xảy ra ẩu đả. Ban hòa giải phường với đầy đủ các thành phần theo quy định đã tiếp cận. Riêng ông Tuấn với những kỹ năng trong dân vận được trang bị khi đi bộ đội đã nắm bắt tình hình thông qua tìm hiểu nghề nghiệp, bản tính, sở thích… của những người trong cuộc và cả người thân của họ rồi sau đó mới tác động. Sau 3 tháng giằng co, cuối cùng bên bị mất chút đất chịu nhận món quà bằng một ít tiền gọi là đền bù. Và trên tất cả, sau vụ hòa giải ấy, 2 bên vẫn là hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.
3. Bên cạnh tham gia vào các “chiến trận” như trên, có nhiều cán bộ, hội viên CCB trong tỉnh còn nhiệt tình đóng góp công sức, tiền của, hiến đất cùng cộng đồng dân cư hình thành các công trình có ý nghĩa như giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng… Chuyện ở Hội CCB xã Gia An – Tánh Linh là một ví dụ.
Năm học mới này, các bé mẫu giáo, các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở xã Gia An đến trường không chỉ thuận lợi hơn nhiều so với thời gian trước mà còn được trải nghiệm con đường đẹp trong xã. Phải nhấn mạnh đẹp vì như ông Bùi Anh Cấp, Hội CCB xã Gia An, nay đã 62 tuổi, từng đi chiến trường Campuchia nói rằng nhìn con đường mà xúc động. Vì đó là thành quả của hội trong vận động một công ty quen ở Bình Dương tài trợ kinh phí xây dựng tuyến đường bê tông dài 600 m, rộng 5 m nối từ tuyến ĐT 766 dẫn vào các trường học, giúp các cháu đi học thoải mái. Và vui hơn, khi tiếp đó, cộng đồng nhân dân đóng góp làm vỉa hè, thoát nước và trồng hoa ven đường. Để bây giờ, có con đường đẹp và ý nghĩa với cộng đồng ở đây như vậy. Không chỉ thế, trên địa bàn xã cũng có hội viên CCB xã là ông Lê Văn Dũng đã hiến 120 m2 đất để mở rộng tuyến đường của xóm 1, thôn 1, xã Gia An…
Tất cả đã thể hiện rất rõ tính chất của “Bộ đội Cụ Hồ”.