Thương nhớ ngày xưa

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:52, 21/10/2022

Con người ta có cuộc sống hiện tại hôm nay dù có sang trọng hay thấp hèn; giàu có hay nghèo đói; sung sướng hay khổ cực thì nền móng của nó là hôm qua, là quá khứ, là thời gian trước đó đã qua lâu rồi.

Hôm nay, tuy chưa thuộc lớp người “thất thập cổ lai hy” nhưng tôi có thói quen nhìn về quá khứ. Vì sống xa quê hương, nên lúc đêm về tôi thường nhớ những năm tháng của quãng đời đã qua của mình một thời niên thiếu ở vùng quê nghèo khổ. Tôi nhớ về những mảnh vườn thân thương, những khung trời tuổi thơ hồn nhiên, vô tư của những năm tháng sống cùng ba mẹ và các em trong một gia đình đông đúc, nhiều miệng ăn hơn người làm. Càng đi xa tuổi thơ hình ảnh làng quê với những căn nhà mái tranh vách đất, cây rơm bên vỉa hè, lu nước trước sân, chiều chiều khói bếp nhà ai bay phất phơ trong gió, đàn gà kiếm ăn ở góc vườn rau, bầy trâu nhảy tung tăng trên đồng cỏ… càng hiện rõ trong tâm trí tôi. Càng nghĩ về thì tôi càng nhớ hơn những buổi lội mương mò cua bắt ốc, gặt lúa, gánh lúa, thả diều trên cánh đồng làng mà mơ ước một tương lai ở nơi thành phố xa xôi. Huỳnh Minh Nhật có những câu thơ rất gần gũi và thân thương với tuổi thơ làng quê: “Tôi lớn lên với những cánh diều/ Chiều nội đồng gió thoảng phiêu diêu/Bên triền đê thả bò đá bóng/ Để bây giờ thương biết bao nhiêu”.

buoi-chieu.jpg

Ở quê tôi, vào những năm chín mươi của thế kỷ trước không có ánh sáng của bóng đèn điện trong nhà. Trẻ em học bài tranh thủ sáng sớm hoặc những buổi ngồi trên lưng trâu, những lúc đun lửa nấu cơm, khi trông em…; chỉ vào mùa thi thì mới thắp đèn dầu, mà phải tranh thủ học nhanh, học mau cho bớt phần tốn kém. Tuổi thơ của tôi trong trẻo nhưng cực khổ hơn những người cùng trang lứa; khổ vì có nhiều em nhỏ, phải gánh vác nhiều việc trong gia đình giúp ba mẹ. Khổ vì phải dầm mưa dãi nắng những buổi không đi học trên các cánh đồng. Khi đến trường phải đi bộ vài ba cây số. Nhưng tôi có một niềm đam mê đọc sách, qua đó học hỏi được nghị lực của con người; xây dựng ước mơ để vượt qua gian khó, vượt qua số phận cuộc đời. Tuổi thơ tôi quen với ruộng đồng, nương rẫy, núi rừng hơn ánh đèn phố thị; cùng với mê đọc sách nên tâm hồn tôi luôn ao ước được đi xa, ao ước ra khỏi cánh đồng làng cho thỏa chí làm trai, mong muốn tiếp xúc với ánh sáng văn minh nơi phố thị. Những ước mơ bồng bột lớn dần theo năm tháng và rồi tôi đã đi xa, mới đó mà đã hơn 30 năm xa làng quê yêu dấu. Nửa đời người sống giữa phố phường, tôi lại không nguôi nhớ về quê hương, nhớ về một thời thơ ấu nghèo khổ mà có một nguồn sức mạnh tinh thần không gì so sánh được. Khi ở quê, tôi từng ao ước được lên thành phố; khi là nông dân tôi ao ước được làm cán bộ nhà nước. Và rồi giờ đây những điều tưởng chừng như đơn giản của cuộc sống nông dân đã trở thành điểm tựa, là sức mạnh tinh thần, là nguồn lực làm cho trái tim tôi mềm dịu, sâu thẳm mỗi khi ngồi ngẫm nghĩ nhớ về. Tôi biết ơn những cơn mưa dầm, những khi nước lũ trắng đồng; những ngày nắng đổ lửa và những ngày thả bộ đến trường thời niên thiếu ở quê hương đã dạy tôi biết chịu đựng, biết vượt qua sự khắc khổ. Từ khi còn là sinh viên đại học tôi phải làm thuê kiếm cơm qua ngày, đến khi ra trường làm công chức nhà nước với đồng lương khiêm tốn tôi phải đi dạy thêm một vài nơi để có tiền mưu sinh… rồi biết chấp nhận với cuộc đời trắng đen lẫn lộn, nhiều bất trắc. Những lúc nhớ về ngày xưa cũ, tôi lại thấy niềm tin và nghị lực vững vàng hơn để vượt qua khó khăn trở ngại, sống có tình yêu thương và tâm hồn luôn thanh thản. Thương nhớ về những ngày xưa cũng là cách để mỗi con người chúng ta trân trọng hơn những gì mình đang có; nhắc nhở chúng ta có được ngày hôm nay và phấn đấu cho mai sau thì không thể thiếu những gì hôm qua ta đã có.

Đỗ Văn Cường