Một lần gặp lại
Văn học nghệ thuật - Ngày đăng : 07:18, 21/10/2022
Hồi đó còn sinh viên, đào ra đứa nào mặt mày trắng trẻo, mập mạp như giờ đâu chết liền. Coi lại mấy cái hình cũ, ai cũng “mi nhon” hết trơn. Nhất là bạn, cao gầy, bạn bè hay thêm chữ “cao kều” đằng sau cái tên bạn, đến độ bạn phát bực, mặt đỏ rần như gà chọi. Mà nói thiệt cái mặt bạn hồi đó nó già gì mà già, cứ như ông cụ non, bởi vậy có mấy nhỏ con gái kêu bạn bằng cái biệt danh “mít chín ép”. Dĩ nhiên là bạn bực, mà nghe hoài riết rồi hết bực luôn.
Hồi đó bạn với nó là hai thằng “chiến” trong lớp. Mỗi lần thuyết trình nhóm là đứng thao thao bất tuyệt, thế nào cũng đem “chiến thắng” vẻ vang về cho nhóm của mình. Hổng biết sao hồi đó hai đứa thân nhau dữ thần, chắc là do cảnh ngộ kha khá giống nhau.
Nó chỉ còn mỗi bà má già, cuộc sống trông chờ vô hai sào ruộng, mà ruộng xứ biển làm khổ ải khôn cùng chớ hổng có như mấy xứ khác. Cái xứ nắng khét da người, đến nước sinh hoạt còn phải chắt chiu từng hạt thì lấy đâu nước làm ruộng hai ba vụ một năm. Mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa. Mỗi năm chỉ trông chờ mưa xuống đặng hứng nước đầy khạp, đầy lu. Ở xứ này người ta chẳng cần bước chân vô nhà mới biết giàu nghèo, cứ nhìn bên chái thấy bao nhiêu cái khạp, to hay nhỏ, là biết liền gia cảnh chủ nhà ra sao. Nhà có tiền bên hiên lúc nào cũng năm bảy khạp to xếp hàng, gia chủ cứ ung dung chẳng lo gì nắng hạn đang đến. Nhà nghèo bên chái chỉ dăm ba cái lu bé tẹo, tới mùa nắng rớt từ sáng đến chiều chỉ biết thở dài than vắn la mấy đứa con coi mà tiết kiệm lại, nước gần hết đó tụi ơi.
Năm nó đậu đại học, cả cái xã đều hay tin. Thì cái xã này đã đứa nào đậu được vô đại học đâu, mà có đậu chắc gì có tiền vô thành phố học. Bởi vậy nghe tin con đậu đại học má nó hổng nở nổi nụ cười, mặt tối sầm lại, mấy nếp nhăn trên trán hằn sâu hơn như vết nứt trên đám ruộng mùa nắng rớt. Nửa đêm khi nó trở mình thức giấc, thấy má ngồi ngoài cửa dòm ra đám ruộng trước nhà. Nhìn cái dáng ngồi đó ai dám nghĩ hồi trước má từng là huê hậu của làng này. Mèng ơi làm sao tả hết cái nỗi buồn trào dâng trong lòng nó khi thấy má ngồi bó gối lặng im, lâu lâu lại rớt tiếng thở dài vô màn đêm đặc quánh. Nó rớt nước mắt thương má, chắc má đương lo không biết xử trí thế nào, cho nó đi học thì tiền đâu lo, còn hổng cho thì thương nó quá chừng. Lúc đó nó đã cắn răng tự hứa sẽ học thiệt giỏi, vô thành phố sẽ kiếm thêm việc làm tự lo liệu chớ không để má phải khổ, sẽ cố gắng ra trường kiếm được việc ngon lành đặng cho má nở mặt nở mày với người ta, sẽ… Nhiều thứ “sẽ” lắm mà giờ nhắc lại nó không sao nhớ xiết.
Giờ nhắc lại mấy lời tự hứa ngày xưa sao lòng thấy cay cay, nồng hơn hơi rượu ngoại mà có lần công ty mở tiệc nó được uống. Ra trường mười mấy năm nay vẫn lẹt tẹt nhân viên quèn, lương đủ lo cho hai má con nếu biết tiết kiệm, vậy mà má chưa bao giờ trách nó, chưa bao giờ so sánh nó với con người này, con người kia như mấy bà hàng xóm hay than thở. Mỗi bận có ai nhắc sao thằng con bà hồi trước học giỏi quá chừng, giờ làm lương lẹt đẹt dữ vậy, má hay trả lời con người có số có phần, số nó vậy thì biết sao được. Vậy là mấy bả thôi hỏi nữa, mà trái tim nó cũng bớt nhói một chút.
Chắc cái lý lẽ của má cũng đúng, bởi nó thấy nhiều đứa bạn hồi trước học hành lẹt đẹt đằng đuôi mà giờ làm chức này chức nọ, nhà cao cửa rộng quá chừng. Có điều bạn thì không nằm trong nhóm đó, bạn khác tụi nó vì bạn học giỏi và giờ bạn thành đạt.
Bởi vậy mà nó mong gặp lại bạn quá xá. Nó muốn giới thiệu với má đây là thằng bạn… nối giường với con hồi trong ký túc xá. Thì thiệt, hồi đó nó nằm giường dưới, bạn nằm giường trên. Mỗi khi học bài bạn hay thò đầu xuống trao đổi với nó. Có bận tụi cùng phòng về quê ăn tết hết, còn lại hai đứa cố trụ lại đi làm thêm, bạn biểu nó:
- Tao kêu mấy thằng làm chung về phòng mình ở, tụi mình chia nhau tiền phòng tụi nó đưa, mầy đừng bép xép với mấy đứa kia đó.
“Mấy đứa kia” là mấy đứa chung phòng mà về quê ráo trọi rồi đó, tại bạn kêu mấy đứa làm chung lên ngủ giường người ta ngon ơ, cứ như bạn là chủ nhà trọ. Sau bận đó, nó phục bạn sát đất. Cũng cục đất lên phố mà bạn lanh lẹ chớ không lù lù như nó. Cũng đi làm thêm mà bạn trèo lên được chức quản lý trong khi nó cứ bình bình chân chạy bàn. Nhớ hồi đầu mới nhập học, hai đứa rủ nhau mua chung dĩa cơm bởi mỗi đứa một dĩa thì không đủ tiền ngày ăn hai bữa. Sức thanh niên ăn cả dĩa còn phải xin cơm thêm, vậy mà bữa nào hai đứa cũng chung một dĩa. Có mấy bạn gái thấy thương mang cho thêm cơm với đồ ăn. Giờ bạn còn nhớ chuyện đó hông ta?
Nó dự định sẽ thức cả đêm để hai đứa ôn tình xưa nghĩa cũ. Nhưng tới lúc thấy con mẹc – xê – đì đen bóng choáng hết khoảnh sân thì dự định đó rã ra như làn khói tan đâu mất. Có chút tủi phận trực trào khỏi nơi trú ngụ nhưng nó kiên quyết ém nhẹm tận đáy lòng.
Má làm con vịt đem quay thơm phức đãi bạn. Bạn có mua mớ hải sản với chai rượu ngoại. Hơi rượu nồng sực lên tận óc. Nó say thật. Bạn thì tỉnh rụi như không, ngó nó biểu:
- Ông sao vẫn như xưa hổng đổi khác tẹo nào!
- Ừ thì tui vẫn vậy, có lên mặt trăng sống nó vẫn vậy ông ơi!
Bạn cười khùng khục:
- “Đời đổi mới, người càng nên đổi mới”. Ông nhớ thơ ai không?
- “Bài ca chúc Tết thanh niên” của cụ Phan Bội Châu chớ gì!
- Đó, còn nhớ sao hông làm theo? Sống là phải thay đổi, thức thời để đi lên.
- Tui làm hông đặng. Con cá chốt đi đến Mỹ vẫn là cá chốt. Biết sao được hả ông?
Bạn thôi cật vấn. Nó ợ mấy hơi dài muốn ói, lờ mờ nhận thấy hình như dạo này bụng bạn to ra thì phải. Ờ, thì người ta ăn nhà hàng uống rượu ngoại riết cũng phải phát tướng, vòng bụng theo đó tăng lên cũng là lẽ thường. Ờ, cái thằng “mít chín ép” hồi xưa “chết” thiệt rồi, giờ ngồi nhậu với nó là ai mà thấy vừa lạ vừa quen quá chừng. Kỳ thiệt, cũng con mắt, cái miệng đó mà sao giờ nói quá xá nói, cứ như hệt mấy sếp lớn trong công ty nó trong mấy cuộc họp, ăn trên nằm trước người ta. Ờ, hay tại nó say nên thấy vậy không chừng, mà cũng có thể tại nó mặc cảm quá nên thành ra thấy vậy.
Đêm. Nó nhường cho bạn bộ vó căm xe, trèo lên ngủ chung giường với má. Nó say ngủ ót tới sáng. Nói vậy cũng chưa chính xác, thiệt ra thì giấc ngủ chập chờn dữ lắm. Cả đêm nó chìm trong mộng mị. Nó thấy mình còn là cậu trai trọ học. Nó thấy Hương. Nàng vẫn cười duyên như hồi xưa lắc. Nàng vẫn lắc đầu khi nó lén dúi cho nàng hộp chocolate bằng cả tuần lương đi làm “Mình hổng có ăn đồ ngọt, dễ tăng cân lắm”. Ờ, ai biểu nó nghèo mà bày đặt trèo cao. Mấy bận thấy Hương leo lên con bốn bánh chờ sẵn ngoài cổng trường. Mấy bận nghe bạn bè biểu Hương có đại gia bao nuôi. Nó không bao giờ tin lời mấy đứa con gái nhiều chuyện trong lớp, chắc tại mấy nhỏ đó ghen ăn tức ở với Hương thôi, nàng còn ngây thơ lắm.
Cũng như nó chẳng bao giờ tin lời đám bạn học chung rằng bạn là người không chân thật. Với nó bạn rất tốt, luôn chỉ bảo nó cái này cái kia, cứ như bạn là anh em ruột thịt vậy. Tới độ mấy đứa con gái còn chọc ghẹo rằng hai đứa này pê đê, dính nhau như sam. Gần gũi nó đến độ thiếu điều ngủ chung giường, nó hiểu bạn hơn ai hết. Bởi vậy tới giờ nó cũng đâu tin lời tụi bạn nói trên group rằng bạn đã đổi thay nhiều. Thằng Thành còn biểu bạn có tiền đâm khinh dễ bạn bè. Thằng Thành là bạn nối khố từ nhỏ tới lớn của bạn, nhà sát vách. Nó biểu đợt túng quá mượn bạn dăm “chai” lo cho cô vợ tới kỳ sinh nở, sanh con xong hai vợ chồng cũng làm ăn chật vật, chưa xoay xở được để trả nợ, vậy mà bạn đi rêu rao rằng nó quỵt. Thằng Thành tức qua đi vay nợ chỗ khác trả cho bạn. Nó nghe chuyện thằng Thành kể mà chẳng để tâm. Chắc thằng Thành ganh ghét gì bạn đó thôi. Cũng như nó khi nghe tin bạn thành công cũng có chút tị hiềm nhen nhóm đâu đó trong lòng, có điều ém nhẹm xuống đáy cất dành đó.
Sáng ra nó mới nhớ quên chưa hỏi bạn dạo này Hương sao rồi, nó có tìm kiếm trong group của lớp mà không thấy nàng. Trong khi nhâm nhi trà sớm bạn kể chi tiết hoàn cảnh từng đứa trong lớp cho nó nghe, cứ như thể bạn giám sát cuộc sống của tụi nó.
- Sao cái gì ông cũng biết hết trơn hay vậy!
Nó phải buột miệng thốt lên câu đó khi nghe bạn “báo cáo” tình hình bạn bè.
- Tui phải hỏi ngược lại là sao cái gì ông cũng không biết hết trơn vậy? Tụi nó đăng rần rần trên mạng xã hội, cả thiên hạ biết chớ đâu phải mình tui!
Ờ, chắc vậy, tại nó đâu bao giờ trườn mặt lên mạng xã hội nên “ếch ngồi đáy giếng” là đúng rồi.
- Còn… Hương thì sao?
Mấy từ cuối vuột khỏi môi nó nhẹ như tiếng rớt của chiếc lá vàng. Bạn bĩu môi cười khẩy, biểu:
- Giờ mà còn nhớ tới nhỏ đó hả cha nội? Người trong mộng của ông sau khi đại gia hết bao nuôi giờ thì thành mẹ đơn thân đó.
- Ờ. Sao tội dữ ta!
- Tội gì! Có sức chơi, có sức chịu. Ở đời đâu dễ ai cho không thứ gì.
- Ờ.
Nó chỉ nói “ờ” lia lịa sau mỗi câu bạn nói. Bạn đang huyên thuyên kể, đâu có biết có con dao mới xẹt qua tim nó để lại bao vết cứa ồng ộc máu tuôn.
Ăn sáng xong bạn từ biệt ra về biểu công chuyện còn nhiều không ở chơi lâu được. Ờ, thì thôi, mốt có dịp ra lại ghé tui chơi. Nó tiễn bạn ra xe. Có chút buồn rơi đọng trong đôi con ngươi đen nháy, chả lẽ lại khóc tiễn nhau, vậy thì nó ủy mị lắm, mà chắc bạn sẽ cười ha há rằng “cải lương vừa thôi ông”. Thôi thì một cái bắt tay lần cuối cho ra dáng đàn ông vậy.
Bạn dúi vô tay nó tờ bạc màu xanh cá nục chưa hằn nếp gấp, nó bất ngờ quá đỗi nhưng theo quán tính dúi lại vào tay bạn nhất quyết không lấy. Cuộc giằng co qua lại đó tưởng chừng phải dây dưa miết vậy chớ đâu ngờ kết thúc cái rẹt sau câu nói ngắn gọn của bạn:
- Coi như tiền khách sạn qua giờ.
Vậy là tờ tiền nằm trên tay nó, như nằm trong tay bức tượng đá bởi mấy ngón tay cứ cong cong chớ không chịu khép chặt. Chắc tại mắt nó còn ngó theo bạn ngơ ngác. Nó định hỏi “vậy chớ qua giờ coi tui là gì bạn?” mà sao câu hỏi mắc nghẹn nơi cổ hoài hổng chịu bật ra thành tiếng, làm bạn đi một nước ra xe chớ đâu có ngoảnh lại chào lần cuối. Con xe bốn bánh chạy mất tiêu bỏ lại đám bụi mù trước sân khoái trá tung mình theo gió. Tới giờ nó mới chợt nghĩ chắc thằng Thành hổng thêm bớt gì cái vụ mượn tiền đâu. Có thứ nước ươn ướt mặn chằng ló ra đằng khóe mắt. Nó giơ tay quệt ngang chống chế một mình:
- Chèng ơi bụi gì thấy ớn, lại tới mùa nắng rớt nữa rồi!
Mặt trời vẫn vàng khét trên cao nhởn nhơ thả nắng xuống, ổng đâu thèm bực mình chi bởi ổng biết nó buồn chuyện khác chứ hổng phải buồn chuyện ổng cứ thả nắng xuống hoài đâu…