Nghị định mới của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính: Hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 14:36, 21/10/2022
Trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, có nhiều sáng kiến với những mô hình mới, cách làm hay và đạt được một số kết quả nổi bật như: Cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phê duyệt phương án cải cách hơn 1.100 quy định và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính; xác định 59 thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước cần rà soát, đơn giản hóa trong năm 2023.
Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính được chú trọng, bước đầu có kết quả. Cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 56 địa phương thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính duy nhất. Nhiều địa phương đã thực hiện nâng cấp hệ thống từng bước đáp ứng yêu cầu số hóa… Những kết quả nêu trên đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và tạo thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính.
Đối với tỉnh Bình Thuận, trong năm 2022 có rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội bởi hậu quả của đại dịch Covid - 19. Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thống nhất đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 là trên 7%. Để đạt mục tiêu đề ra, cải cách hành chính (CCHC) được coi là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, trong quá trình xây dựng và phát triển, cải cách hành chính được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, cán bộ, công chức là một “mắt xích” quan trọng, không thể thiếu của nền hành chính nhà nước, là chủ thể quan trọng trong quá trình cải cách hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn những hạn chế nhất định như, nhiều thủ tục hành chính chậm trễ, ách tắc, khiến người dân, doanh nghiệp phiền lòng.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo nên sự bứt phá trong công tác CCHC, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh. Khẩu hiệu thi đua là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân”. Với mục tiêu phấn đấu hàng năm cải thiện điểm số, thứ hạng Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI của tỉnh, đến năm 2025: Chỉ số PAR Index nằm trong top 20 tỉnh, thành theo xếp hạng của Trung ương; Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS nằm trong top 30 tỉnh, thành theo xếp hạng của Trung ương và các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bình Thuận.
Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi các ngành, địa phương cần phải thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính các cấp để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Tổ chức kiện toàn bộ phận một cửa các cấp, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021, của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ, thời gian hoàn thành trong tháng 12/2022. Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo đúng quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra thủ tục hành chính không đúng quy định hoặc để chậm, muộn nhiều lần. Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Đồng thời hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa đến tất cả các cán bộ, công chức, viên chức tham gia việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp. Không yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định…