Những thanh âm dặt dìu trên tháp Pô Sah Inư
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:04, 23/10/2022
Katê là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận, với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.
Năm 2022 là lần thứ 18, lễ hội Katê được phục dựng và duy trì tổ chức tại Di tích tháp Pô Sah Inư. Cùng với đó là niềm vinh dự khi cộng đồng Chăm ở Bình Thuận đón nhận quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Theo tập tục truyền thống lễ hội Katê diễn ra vào tháng 7 theo lịch Chăm, được tổ chức trong 3 ngày. Trong đó ngoài những lễ nghi tại địa phương để phục vụ lễ hội Katê, tại tháp Po Sah Inư phải thực hiện thứ tự những công đoạn và các nghi lễ như dựng rạp, tống ôn, rước kiệu thần, mở cửa tháp, tắm tượng thần, mặc trang phục cho thần và cuối cùng là đại lễ.
Một trong những chương trình lễ hội được bà con và du khách đón chờ cổ vũ, hòa mình vào là phần hội với các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của người Chăm. Các hoạt động sẽ bắt đầu từ chiều ngày 24 đến sáng 25/10 (mùng 1 tháng 7 Chăm lịch), như thi trưng bày, trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư, thi thổi kèn Saranai, xem biểu diễn văn nghệ, thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu.
Trong âm thanh dặt dìu của kèn Saranai, trong nhịp thôi thúc của trống Ginăng, một nhóm du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Lần đầu tiên đi du lịch Phan Thiết lại đúng dịp lễ hội Katê diễn ra, chúng tôi rất thích thú. Sau khi tham quan, tìm hiểu thông tin về lễ hội, mọi người còn được chiêm ngưỡng màn biểu diễn phong tục tập quán của các nghệ nhân, chàng trai, cô gái Chăm xinh đẹp, để càng hiểu hơn nền văn hóa vốn phong phú và đặc sắc. Sau khi đăng tải lên trang cá nhân trên mạng xã hội, bạn bè ở nhiều nơi đều khen phong cảnh và lối kiến trúc văn hóa tại ngôi tháp cổ này.
Bình Thuận hiện có gần 40.000 người Chăm sinh sống, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh. Trong đó, đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn có khoảng 18.000 người. Sau khi lễ hội tại tháp kết thúc thì không khí của hội lại sôi nổi diễn ra ở các làng, thôn xóm, dòng tộc, gia đình của người Chăm, nhằm quy tụ tất cả các thành viên trong gia đình để ông bà, cha mẹ giáo dục các thế hệ con cháu biết ơn, kính trọng tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.