Ngăn chặn khai thác khoáng sản lậu ở La Gi

Pháp luật - Ngày đăng : 05:41, 24/10/2022

Cũng như nhiều địa phương khác, La Gi đang hành động quyết liệt ngăn chặn nạn khoáng sản lậu, nhưng đâu đó vẫn còn diễn ra, do nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng lớn và công tác quản lý của UBND các xã còn lỏng lẻo.

Bài 1: Khan hiếm nguồn cung?

Chỉ với 2 mỏ cát xây dựng được cấp phép khó đáp ứng nhu cầu xây dựng nên thị xã La Gi không tránh khỏi nạn khai thác khoáng sản lậu. Dự báo trước tình hình ấy, La Gi đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn.

Chỉ 2 mỏ có phép

La Gi - đô thị lớn thứ 2 của tỉnh sau TP. Phan Thiết với dân số 108.043 khẩu. Năm 2018, La Gi được công nhận là đô thị loại III và dự kiến trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, định hướng lên thành phố trực thuộc tỉnh. Điều đó cho thấy sức sống mới của La Gi đang bừng lên, hấp dẫn các nhà đầu tư, người dân khắp nơi đổ về định cư, kéo theo đó, các công trình xây dựng như nhà cửa, hàng quán, công trình dân sinh... tăng lên làm nhu cầu vật liệu xây dựng tăng lên.

20220217_172453-0-.jpg
Một góc thị xã La Gi hôm nay

Thế nhưng hiện La Gi chỉ có 2 mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép ở xã Tân Tiến do Doanh nghiệp tư nhân Xây Lắp – Thương mại Đồng Tâm và Công ty TNHH Phương Nam trúng thầu đang khai thác. Theo báo cáo công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thị xã La Gi, địa phương này được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030 là 22 khu vực với tổng diện tích 295 ha. Trong đó, 11 điểm được quy hoạch cát bồi nền, 7 điểm quy hoạch cát, đá xây dựng. Ngoài 2 mỏ cát xây dựng với tổng diện tích khoảng hơn 3 ha được cấp phép đang khai thác, có 8 mỏ cát, đá xây dựng và cát bồi nền đang lập thủ tục thăm dò theo quy định.

UBND thị xã La Gi cho biết: “Khoáng sản được quy hoạch trên địa bàn thị xã có trữ lượng không lớn, tạm đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng địa phương. Nhưng thủ tục đấu giá khai thác khoáng sản theo quy định khó khăn, kéo dài nên không đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng cho đầu tư phát triển thị xã, cũng như nhu cầu xây dựng của nhân dân”. Điều đó dẫn đến không tránh khỏi phát sinh tệ nạn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn thị xã.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một thực tế xảy ra ở nhiều địa phương khác là khi mỏ có, cung cấp đầy đủ nhưng vì mua theo đường “chính chủ” thì giá cao hơn hoặc hay địa bàn xa, nên người có nhu cầu tìm mua sản phẩm lậu để được rẻ hơn, dẫn đến tình trạng khai thác lậu vẫn tồn tại.

20221004_112227.jpg
Lập chốt nỗ lực quản lý khai thác khoáng sản trái phép.

Dự báo trước

Thực trạng ấy dự báo nạn khai thác khoáng sản trái phép sẽ xảy ra, do vậy La Gi đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và các xã, phường tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã La Gi: Năm 2021 đã ban hành hơn 33 văn bản chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và các xã, phường tăng cường quản lý khoáng sản. Rà soát lại các quy chế phối hợp về kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản tại các khu vực giáp ranh với các huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam. 9 tháng năm 2022 đã ban hành 22 văn bản; kiểm tra và xử lý hành chính 96 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, số tiền phạt nộp ngân sách gần 300 triệu đồng; tịch thu 421 m3 cát bồi nền, 910 viên đá xây dựng, xe múc, máy bơm...

20221004_103210.jpg
Nạn khai khác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra.

Với nỗ lực ấy, tình trạng “xẻ thịt” những khu đất dưới chân núi, dọc bờ sông, suối... nơi rừng sâu heo hút của La Gi đã giảm. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng lén lút khai thác cát, đá, đất bồi nền đưa đi tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa nguồn tài nguyên khoáng sản tiếp tục “đội nón ra đi” gây thất thu cho nhà nước; đường sá bị phá nát, biến dạng tính tự nhiên của vùng đất dẫn đến những biến đổi về điều kiện thủy văn, các yếu tố của dòng chảy của sông, suối... ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của người dân xung quanh.

Chia sẻ nỗ lực kiểm soát và khó khăn trong quản lý khoáng sản, ông Nguyễn Mậu Sâm, Trưởng phòng tài nguyên và Môi trường thị xã La Gi thừa nhận: “Nếu nói địa bàn La Gi không còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì không đúng, chắc chắn sẽ còn nhưng ở hình thức nhỏ lẻ, chủ yếu nhà dân móc cát, đá trong rẫy của mình đưa đi bán”.

“UBND thị xã La Gi đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác khảo sát, tham mưu UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định, đảm bảo hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, theo báo cáo công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thị xã La Gi.

Lê Ninh