Đoàn ĐBQH tỉnh: Thảo luận dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Chính trị - Ngày đăng : 05:20, 25/10/2022

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Góp ý vào dự án luật này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã phối hợp rất tốt trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình những ý kiến của các ĐBQH tham gia góp ý tại kỳ họp thứ 3 và Hội nghị ĐBQH chuyên trách đối với Dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi).

1.jpg
ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông thảo luận tại hội trường.

Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cơ quan soạn thảo dự án luật cần xem xét lại quy định tại khoản 3 Điều 46. Theo quy định trên thì “Phòng khám đa khoa khu vực của Nhà nước tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo mới được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ’’ là chưa phù hợp. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị dự thảo luật nên quy định Phòng khám đa khoa khu vực thuộc Trung tâm y tế cấp huyện được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ. Ngoài ra, đại biểu Thông đề nghị bổ sung Trung tâm Y tế là tổ chức khám, chữa bệnh được quy định tại khoản 1 Điều 46 dự thảo luật. Vì thực tế hiện nay theo quy định tại Điều 3 Thông tư 07 ngày 27/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Trung tâm y tế có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, an toàn thực phẩm, dân số và các dịch vụ y tế khác theo quy định pháp luật. Do vậy, việc bổ sung Trung tâm y tế là cơ sở khám chữa bệnh là phù hợp.

Góp ý cụ thể tại Điều 106 quy định về ngân sách nhà nước chi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh, trong đó tại khoản 5 có ghi “Các khoản chi khác theo quy định pháp luật”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần liệt kê cụ thể các khoản chi khác là những khoản chi nào? Tại Điều 12 quy định về quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám chữa bệnh và khoản 1 điều này quy định được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 67 luật này và điểm c khoản 3 Điều 67 quy định “người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản”. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng bản chất của việc khám, chữa bệnh là một giao dịch dân sự, một bên bỏ tiền, một bên thực hiện dịch vụ. Do vậy, người bệnh cần phải nhận đầy đủ hồ sơ bệnh án của mình chứ không phải là nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 25 ngày 18/10/2013 về hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo hướng quy đổi ra bằng tiền để dễ áp dụng trong thực tế… Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình thấu đáo.

Phiên họp chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

T.HÀ