Kết luận 14 của Bộ Chính trị: “Tấm khiên" bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Bài 1

Chính trị - Ngày đăng : 05:33, 25/10/2022

Làm thế nào để khuyến khích cán bộ đảng viên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ? Kết luận số 14-KL/TW (Kết luận 14) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà Bộ Chính trị ban hành vào ngày 22/9/2021 chính là điểm tựa. Nhưng ngoài chủ trương và giải pháp mà Đảng và Nhà nước triển khai để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, mỗi cán bộ đảng viên cần nêu cao tinh thần học tập tu dưỡng đạo đức cách mạng và năng lực.

Bài 1: Tạo đột phá từ sự quyết tâm

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Nhìn lại 30 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể thấy tinh thần trên được rất nhiều cán bộ đảng viên thực hiện. Họ đã xung kích, năng động, tiên phong, dám đối mặt với thách thức để thực hiện hai chữ: Xé rào. Với mục tiêu chính là vì lợi ích của nhân dân.

Hết sức làm việc có lợi cho dân

Cách đây khoảng 7 năm về trước, một ngư dân tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, có làm 1 tờ đơn gửi đến các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh để đề xuất một nguyện vọng. Nội dung lá đơn viết: “Là một ngư dân, làm ăn nhiều năm trên biển. Tôi nhận thấy nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt, trong đó có sò lông. Bà con khai thác sò con quá nhiều. Nên tôi muốn nuôi sò để giữ được vùng biển xã Thuận Quý. Để đời sau con cháu còn làm theo. Nếu không bảo vệ được sẽ cạn kiệt. Nhờ các cấp giúp đỡ cho”.

bao-ve-can-bo-3.jpg
Ngư dân xã Thuân Quý (Hàm Thuận Nam) thời điểm lúc đó rất mong mỏi nguồn lợi thủy sản được bảo vệ.

Cách viết chân thật, mộc mạc nhưng thể hiện rõ tâm huyết của ngư dân đã ngay lập tức gây sự chú ý đặc biệt đến các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan quản lý ngành thủy sản. 5 năm sau, năm 2015, mô hình bảo vệ sò lông Thuận Quý ra đời trong sự vui mừng của ngư dân, của ngành thủy sản và lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Thế nhưng tại sao lại mất những 5 năm mới cho ra đời được một mô hình cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản?. “Chưa từng có một mô hình nào như vậy. Chúng ta làm đầu tiên trong cả nước. Mặt khác luật không cho phép giao mặt biển cho ngư dân. Do đó, chúng tôi phải tham khảo hàng trăm ngàn văn bản có liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh từng bước, từng bước”, ông Huỳnh Quang Huy – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết.

Nỗ lực của ông Huy cùng đội ngũ tham mưu giúp việc đã thành công ngoài mong đợi. Sau 7 năm, không chỉ có sò lông mà nhiều loài cá, mực hải sản quần tụ về, hệ sinh thái đã phục hồi tới 80%. Giờ đây mô hình ở Thuận Quý đã được nhân ra thêm 2 xã Tân Thành, Tân Thuận với hơn 43 km2 biển ven bờ cùng 300 hộ ngư dân tham gia quản lý. Dự án đã được chọn báo cáo điển hình tăng trưởng kinh tế xanh tại Nam Phi do UNDP tổ chức năm 2019. UNDP hiện cũng đang tiếp tục tài trợ giai đoạn 2.

Thành công trên của mô hình có ý nghĩa vô cùng quan trọng khác, đó chính là bước đi đột phá của ngành thủy sản Bình Thuận đã dẫn đến sự ra đời của điều số 10, Luật Thủy sản năm 2017, một điều luật hoàn toàn mới quy định về việc đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cùng những văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện, dựa trên quy trình mà tỉnh Bình Thuận đã làm.

Vậy bài học kinh nghiệm từ sự dám đột phá, dám chịu trách nhiệm trước một việc chưa từng có tiền lệ là gì? Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho rằng, ý tưởng của dân có thể đi trước các quy định của Nhà nước, nhưng hoàn toàn chính đáng và phù hợp quy luật phát triển. Nếu vướng các quy định của pháp luật thì chúng ta phải tìm những cái có lợi nhất biến nó thành hiện thực. “Người đứng đầu phải dám làm và dám chịu trách nhiệm và truyền lửa cho anh em. Thứ 2 là phải rèn mình và rèn đồng đội của mình để không đi chệch mục tiêu ban đầu. Bảo vệ danh dự, bảo vệ lời thề đảng viên, bảo vệ Đảng bằng cách làm đúng các quy định. Như thế thì không có gì phải sợ”, ông Huy chia sẻ.

Có thể nói, bài học thành công của bước đột phá mô hình cộng đồng bảo vệ nguồn lợi sò lông Thuận Quý có được là nhờ sức mạnh tổng hợp của cả 3 yếu tố: Thứ nhất là sự ủng hộ của ngư dân. Thứ 2 là có phương pháp thực hiện đúng đắn. Và thứ 3 là có những người cán bộ tận tâm, có năng lực và đầy trách nhiệm.

bao-ve-can-bo-1.jpg
Nhiều cán bộ có tâm huyết, trách nhiệm nhưng cũng lo lắng bởi hệ thống pháp luật có lúc còn chồng chéo bất cập, dẫn đến khi thực thi nhiệm vụ xuất hiện tâm lý sợ sai.

Vẫn còn vừa làm vừa lo…

Anh Huỳnh Thiên Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh, được người dân quý bởi tác phong nhanh nhẹn, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là những vụ việc được cử tri phản ánh. Mặc dù vậy, anh cũng có không ít những trăn trở, băn khoăn khi mà các văn bản xử lý ngày càng nhiều. “Nếu như mình không tìm hiểu kỹ, hoặc anh em tham mưu thiếu kinh nghiệm, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ công việc chung mà còn ảnh hưởng tới địa phương, nhất là đối với những lĩnh vực nóng như tài nguyên khoáng sản, đất đai”, anh Cường cho biết.

Sự lo sợ và ngại như tâm tư của cán bộ trẻ Huỳnh Thiên Cường, mặt tích cực là sẽ giúp anh cẩn trọng khi làm việc, nhắc nhở anh luôn làm đúng, làm trúng, làm chính xác. Thế nhưng ở chiều ngược lại sẽ dẫn đến sự e dè, đùn đẩy, cầm chừng, hoặc làm gì cũng sợ.

Đó chính là thực tế, mà các đảng viên lão thành rất trăn trở. “Cán bộ hiện nay tâm tư làm nhiều lỗi nhiều, làm ít lỗi ít, nên ngồi đủ 8 tiếng về, điều này rất nguy hiểm, bộ máy đang chạy, nó không chạy được thì làm sao mà phát triển”, nhà báo Huy Sô (phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết) cho biết.

Theo ông Đỗ Thái Dương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một bộ phận công chức, viên chức có biểu hiện e dè, sợ sệt, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Xuất phát từ một số nguyên nhân, thứ nhất là hệ thống pháp luật có lúc còn chồng chéo bất cập, dẫn đến khi thực thi nhiệm vụ xuất hiện tâm lý sợ sai. Một nguyên nhân nữa xuất phát từ trình độ năng lực của cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu. “Thái độ làm việc ý thức phục vụ nhân dân chưa cao dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy, xa rời trách nhiệm. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra điểm nghẽn từ thái độ làm việc của công chức, viên chức”, ông Dương nhấn mạnh.

Ý Đảng và lòng dân đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên cần tâm huyết, trách nhiệm vì lợi ích chung. Do đó, trước biểu hiện “chùn bước”, e dè, cầm chừng, đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm, các đảng viên lão thành đều cho rằng đây là việc cần tháo gỡ ngay và cần có nhiều giải pháp kịp thời, đồng bộ.

Ngọc Diệp - Thuỳ Trâm