Ngăn chặn khai thác khoáng sản lậu ở La Gi . Bài 2

Pháp luật - Ngày đăng : 05:37, 25/10/2022

Bài 2: “Nóng” ở địa bàn các xã
20221004_103400.jpg
Khai thác khoáng sản trái phép.

Những xe tải chở khoáng sản trái phép không ngừng chuyển bánh "băm nát" những con đường dân sinh, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. La Gi sẽ tiếp tục siết chặt quản lý, quy trách nhiệm cho các xã nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Vụ điển hình

Năm 2021 đến nay La Gi xử lý 186 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, trong đó riêng năm 2021 xử lý 100 trường hợp. Sau những động thái ấy tưởng sẽ răn đe được những đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, nhưng đâu vẫn vào đó. Vì lợi nhuận quá cao với chỉ việc đào, xúc, múc... chở đi bán nên đối tượng bất chấp pháp luật và hủy hoại môi trường tự nhiên.

Qua phản ánh của người dân ở La Gi hiện trên địa bàn có 4 xã gồm: Tân Hải, Tân Bình, Tân Phước và Tân Tiến đang “nóng” với tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

20221004_103400(1).jpg

Điển hình mới đây ở xã Tân Hải, người dân thôn Hiệp Thuận không chỉ quay clip đưa lên mạng xã hội về đoạn đường nội đồng bị xe chở khoáng sản trái phép phá nát mà còn phản ánh trước đại biểu HĐND 3 cấp trong cuộc tiếp xúc cử tri về thực trạng trên. Đoạn đường ấy nằm ở cuối con đường huyết mạch Mai Thúc Loan dẫn vào rừng keo lá tràm của Lâm trường Tân Hải và núi Nhọn giáp ranh huyện Hàm Thuận Nam, nơi chúng tôi đã đến hiện trường theo dõi, thâm nhập lấy bằng chứng.

untitled-1.jpg
Hoạt động khai thác khoáng sản cả ban đêm (ảnh trích ra từ clip do người dân cung cấp).

Khu vực núi ấy không ít những hố sâu, gò đồi bị khoét nham nhở, dấu tích của khai thác khoáng sản trái phép. Ước tính của người dân ở đây, có khoảng gần chục địa điểm khai thác cát, đá trái phép, có những hộ dân mua đất rẫy thay vì canh tác cây trồng, thì chuyển sang khai thác đá, cát bán kiếm lời.

z3754833333963_f4cbd8a9b6ee0b83ca1139bf468d188b(1).jpg
Xe chở khoáng sản lậu "băm nát" đường.

“Đất này của gia đình tôi mua cách đây cũng lâu rồi, tôi khai thác cát bán, nếu chị mua cả khu đất thì tôi san gạt bằng phẳng...”, một trong những hộ dân đang khai thác cát, đá bán nói. Họ không chỉ hoạt động buổi trưa mà còn buổi tối, lúc hết giờ làm việc của cơ quan chức năng để tranh thủ khai thác. Người dân ai cũng biết rõ cơ sở vật liệu xây dựng nào ở địa phương tiếp tay cho cát lậu để cùng thu lợi, nhưng họ không dám lên tiếng vì sợ trả thù hoặc gây khó dễ cuộc sống hàng ngày. “Không phản ánh thì sống mãi trong cảnh đi lại khó khăn, mà phản ánh thì sợ người ta trả thù...”, một người dân thôn Hiệp Thuận xin giấu tên chia sẻ.

Một điều lạ mà người dân thắc mắc là những "hung thần" xe tải chở khoáng sản trái phép ấy hiên ngang chạy giữa ban ngày qua ngõ nhà công an thôn, trưởng thôn, thậm chí qua trụ sở UBND xã nhưng không được xử lý, chưa kể là có camera giám sát. “Thông qua người dân phản ánh, chúng tôi đã kiến nghị UBND xã, thậm chí trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhiều lần nhưng không thấy ngăn chặn...”, ông Nguyễn Tấn Vương, Trưởng thôn Hiệp Thuận và Nguyễn Thụy Chín công an thôn cho biết.

z3805983440686_786cd733e9ca3f51da0c296973b3fb0f.jpg
Xe chở khoáng sản hàng ngày trên đoạn đường người dân đã kiến nghị.

Quy trách nhiệm lãnh đạo xã

Thực trạng ấy có thể thấy rõ sự quản lý khoáng sản ở cấp xã – nơi có mạng lưới tổ, hội, đoàn thể dày đặc từ xã xuống thôn, nhưng nắm địa bàn của mình... chưa chặt chẽ. Chỉ có lỏng lẻo mới không biết hôm nay địa bàn mình còn gì và mất gì, người dân đang kêu ca phàn nàn cái gì... nhất là vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép. Một người dân bức xúc: “Con “chim sắt” to đùng đùng chạy rầm rầm trên những tuyến nội đồng, trong khu sản xuất... đâu phải chim bay trên trời mà bảo không thấy. Chỉ có thể là không làm tốt vai trò trách nhiệm... thì mới để người ta khai thác khoáng sản trái phép hiên ngang như vậy”.

Nếu cả hệ thống chính trị cấp xã không chủ động sâu sát thực tế, phát hiện kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp trên phối hợp xử lý, thì cấp trên có ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo hoặc phối hợp quản lý tốt khoáng sản cũng bất thành. Những ngày qua, đoạn đường ở thôn Hiệp Thuận kể trên, người dân vẫn gửi clip, hình ảnh xe chở vật liệu khoáng sản trái phép cho chúng tôi, dù đã kiến nghị trong cuộc tiếp xúc cử tri cách đây vài ngày. Từ thực tế ấy, UBND thị xã La Gi chỉ ra mặt yếu của UBND các xã trong quản lý khoáng sản: Đó là thiếu tập trung, chưa kiên quyết, có lúc còn nể nang trong công tác kiểm tra, xử lý; không xác minh, xử lý đến tận cùng vụ việc nên tình hình khai thác khoáng sản trái phép vẫn xảy ra.

Trong thời gian đang chờ hoàn thiện thủ tục cấp phép thêm những mỏ khoáng sản, lãnh đạo thị xã La Gi yêu cầu UBND các xã, phường trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, duy trì các điểm lập chốt ngăn chặn, kiểm soát; phân công rõ trách nhiệm, thời gian và có hình thức xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức nếu để xảy ra vi phạm. Ngoài ra, tiếp tục rà soát các đối tượng thường hành nghề khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trái phép trên địa bàn nhằm tuyên truyền, vận động, răn đe, ký cam kết không vi phạm và thường xuyên theo dõi, kiểm tra không để xảy ra tái phạm.

“UBND thị xã đang tập trung xử lý dứt điểm các khu vực thường xảy ra khai thác khoáng sản trái phép ở các xã Tân Bình, Tân Tiến, Tân Hải và Tân Phước. Đồng thời tiếp tục theo dõi phối hợp kiểm tra các khu vực giáp ranh với huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam để phát hiện, ngăn chặn kịp thời nếu có vi phạm”, ông Nguyễn Mậu Sâm - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã La Gi cho biết.

Lê Ninh