Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Chính trị - Ngày đăng : 10:51, 25/10/2022

BTO - Chiều 24/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Tổ 5 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, Sơn La, Hà Tĩnh và Đắk Nông.

Thảo luận tại Tổ 5, đa số các đại biểu đồng tình, đánh giá cao Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành nghị quyết này. Nội quy đã cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn với nhiều quy trình, thủ tục mới được cập nhật, quy định cụ thể. Việc thực hiện Nội quy đã góp phần thúc đẩy hoạt động của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội.

11.jpg
Đại biểu Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia ý kiến. 

Tham gia ý kiến, đại biểu Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ tán thành với việc sửa đổi Nội quy nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội trong tổng thể đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Đi vào nội dung cụ thể về thảo luận tổ, theo đại biểu Dương Văn An, tại các phiên thảo luận tại tổ đã có công cụ ghi âm, Quốc hội có thể sử dụng làm tư liệu cũng như gỡ băng để phục vụ công tác tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu bởi vì nội dung ghi âm là chính xác và trung thực nhất. Còn đối với việc sau khi ĐBQH phát biểu và phải ký xác nhận vào bản nhận dạng nhanh ý kiến phát biểu là không cần thiết. Theo đại biểu Dương Văn An, trong quá trình ĐBQH phát biểu, máy tự động chuyển từ âm thanh tiếng nói thành chữ, chưa qua khâu biên tập, soát kiểm nên có thể có những từ ngữ không chính xác sẽ tạo phiền hà cho đại biểu.

Góp ý nội dung cung cấp tài liệu kỳ họp, nhất là các báo cáo, các tờ trình, các dự thảo nghị quyết cũng như các dự thảo của dự án luật, ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần phải thực hiện nghiêm các vấn đề cung cấp tài liệu theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong cung cấp tài liệu chậm để có biện pháp chấn chỉnh.

Đối với dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu đồng tình cao với sự cần thiết ban hành dự án luật này bởi sau hơn 10 năm thi hành đã có những bất cập, hạn chế được chỉ rõ. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng tính khả thi của quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền tại Điều 15 và phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro thấp, trung bình, cao về rửa tiền tại khoản 1 Điều 16. Bởi căn cứ theo Điều 4 dự thảo, đối tượng báo cáo có phạm vi rộng và số lượng rất lớn, điều này sẽ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho cả đối tượng báo cáo và cơ quan quản lý nhà nước…

Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

T.HÀ