Nông dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ
Đời sống - Ngày đăng : 05:26, 26/10/2022
Nhiều địa phương thiệt hại
Những ngày qua (16 - 20/10), 8 xã của huyện Hàm Thuận Bắc gồm: Hàm Phú, Hồng Sơn, Thuận Minh, Hàm Thắng, Hàm Đức, Hàm Trí, Hàm Chính và Thuận Hòa bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, nguyên nhân xảy ra ngập lụt là do mưa lớn, cùng với lưu lượng nước từ thượng nguồn các sông, suối đổ về kênh mương nội đồng. Ngoài ra, mưa lớn kết hợp với xả lũ hồ Suối Đá đã làm ngập lụt nhiều diện tích cây trồng của nhân dân. Trong đó, gây ngập nhiều diện tích thanh long, lúa, hoa màu các loại đang trong thời kỳ gieo trồng. Theo thống kê, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc bị ngập là 851 ha gồm 45 ha thanh long và gần 700 ha lúa (chủ yếu trên 35 ngày tuổi, đang làm đòng), 130 ha hoa màu, rau các loại, với tổng giá trị thiệt hại toàn huyện ước 4 tỷ đồng.
Còn tại huyện Hàm Thuận Nam, mưa lớn cộng với nguồn nước trên thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt trên địa bàn thị trấn Thuận Nam và xã Tân Thuận, Tân Lập. Hậu quả, tổng số nhà bị ngập nước là 54 căn. Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích bị ngập lụt gần 400 ha, gồm 3,7 ha cây lúa và 389 ha thanh long (chủ yếu ở xã Tân Lập). Ngoài ra, mưa lũ gây thiệt hại 0,1 ha khoai mì và 0,1 ha rau màu. Riêng một số diện tích thanh long, hoa màu ở các xã lân cận ven sông bị thiệt hại đang rà soát, thống kê số liệu cụ thể, tổng giá trị thiệt hại toàn huyện hơn 2 tỷ đồng. Cùng thời điểm trên, tại địa bàn xã Sông Phan (Hàm Tân), nước lũ dâng lên nhanh đã gây ngập úng nhiều diện tích cây cối, hoa màu của các hộ dân trong xã. Nhất là diện tích cây thanh long tại vị trí thấp và gần sông suối. Trong số này, không ít hộ dân mới bón phân đã bị nước lũ rửa trôi. Đặc biệt tại 2 xã Tân Thắng, Thắng Hải, trong 2 ngày 19 và 20/10, nước lũ về nhanh trong đêm đã cuốn trôi nhiều ghe thuyền, gia cầm, diện tích lúa vụ mùa đang giai đoạn chăm sóc của người dân.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Đến thời điểm này, các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ trong tỉnh vẫn đang tích cực khắc phục hậu quả. Trong đó, vẫn còn một số địa phương vẫn chưa thống kê được con số thiệt hại cụ thể. Công việc khẩn trương ngay lúc này của người dân là nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ để cứu lấy cây trồng. Hộ bà Nguyễn Thị Phương Bắc (thôn Lập Vinh, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam) chia sẻ: “Nằm trong vùng ngập nặng tại địa phương, vườn thanh long của gia đình do trồng ven suối nên bị ngập đến hơn nửa trụ. Lứa thanh long này gia đình mới bón phân, chuẩn bị chong đèn, nhưng nay đã bị lũ cuốn trôi phân, trơ rễ. Hiện vợ chồng tôi đang làm sạch cỏ, đắp gốc, nhưng vẫn chưa có tiền để tái đầu tư phân bón”.
Cùng chung thiệt hại do mưa lũ, chị Lê Thị Bích Liên (thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc) cũng có 400 trụ thanh long bị ngập nặng. Một nửa diện tích thanh long này đang giai đoạn trái xanh, một số diện tích đang thời kỳ chong đèn. Chị Liên tiếc nuối, toàn bộ phân bón đầu tư vào lứa thanh long này đã bị cuốn trôi hết. Hiện nay, khi nước lũ đã rút, do lo sợ hư rễ, nên chị đang phải bỏ lứa phân mới để kích thích ra rễ để chăm sóc cây.
Trước diễn biến thời tiết còn phức tạp thời gian tới, hiện nay, cùng với khắc phục hậu quả mưa lũ, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục thông báo đến nhân dân sinh sống dọc theo ven các tuyến sông, những nơi trũng, thấp biết để chủ động có phương án phòng tránh ngập lụt, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người. Cùng với đó, kịp thời di dời gia súc, gia cầm lên nơi cao, an toàn. Tổ chức thu hoạch nhanh nông sản đã đến kỳ thu hoạch tại những nơi có nguy cơ ngập lụt kéo dài để giảm thiệt hại...