Tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:43, 26/10/2022

Đối với trẻ em, internet và mạng xã hội cũng đem lại nhiều tiện ích trong quá trình học tập, tìm kiếm tài liệu, giao lưu bạn bè. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khiến trẻ dễ bị tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách, phát triển tư duy, đạo đức nếu gia đình, nhà trường không theo sát, điều chỉnh.

Cần có định hướng cần thiết

Sau một buổi học căng thẳng và phụ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, em Thanh Vân – lớp 7A2 Trường THCS Hùng Vương lại dành thời gian lên internet nghe nhạc, xem phim, đọc sách, tìm hiểu các kiến thức cần thiết và thư thả trò chuyện với bạn bè. Theo em, đây là cách giúp em giải trí, tìm hiểu nhiều kiến thức bổ ích ngoài sách vở giúp mình học tập tốt hơn.

1672b7e3-b6e9-46c4-b593-3bb8fc211f1f.jpeg
Định hướng trẻ em khi xem các thông tin trên internet (ảnh minh hoạ)

Lứa tuổi trẻ em rất nhạy cảm với diễn biến cuộc sống. Các em với bản tính ham học hỏi, nhu cầu kết nối mọi người sẽ tiếp cận rất nhanh với công nghệ và internet nhưng vẫn còn đang trong quá trình phát triển nhận thức và hình thành nhân cách nên chưa hiểu rõ bản chất thật sự của vấn đề. Vì thế, trên không gian mạng, một thế giới “ảo” nhưng lại rất dễ xảy ra những mâu thuẫn thật. Hơn ai hết, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng, cuốn vào những nội dung xấu.

Anh Nguyễn Văn Trung (khu phố 2, phường Phú Tài - TP.Phan Thiết) chia sẻ: “Con trai tôi nhiều năm liền là học sinh khá. Thế nhưng 2 năm nay do mải theo công việc làm ăn nên không có thời gian quan tâm, sát sao con, thằng bé bắt đầu nghiện chơi điện tử. Để thỏa mãn việc chơi game, con thường xuyên nói dối, kết quả học tập sa sút, hay cáu gắt và có thái độ bạo lực”.

Cô Lê Thị Mỹ Linh – giáo viên ngữ văn Trường THCS Hùng Vương (TP. Phan Thiết) nêu quan điểm: Trong thời đại công nghệ số, việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng không phải là giải pháp tối ưu mà làm hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ. Thay vì cấm, phải hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng để trẻ khai thác thông tin mạng an toàn. Trong những năm qua, đặc biệt là gần 2 năm dịch bệnh, phải học trực tuyến, ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh đẩy mạnh, khuyến khích học sinh chủ động trình bày, thuyết trình các clip ngắn phù hợp với bài học. Đồng thời giúp học sinh biết tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng mạng lành mạnh, cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng với cơ quan pháp luật.

Tăng cường giáo dục, tuyên truyền

Ngày 5/3/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 311 phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 – 2030”. Mục tiêu chung của chương trình nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng. Qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số hóa.

Đến nay, nhiều trường học trong tỉnh tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực, có tính giáo dục cao nhằm tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên và học sinh về việc sử dụng internet và mạng xã hội một cách hiệu quả. Các tổ chức đoàn, đội tăng cường triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sân chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ.

Cùng với các phương tiện hỗ trợ thì giải pháp quan trọng vẫn là từ phía gia đình và nhà trường để giáo dục, trang bị những kỹ năng cần thiết, tạo “lá chắn” giúp thanh, thiếu niên nhi đồng có cái nhìn đúng đắn hơn về mạng xã hội, biết bảo vệ mình và tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.

Thục Anh