EU dự kiến thông qua gói biện pháp khẩn cấp về năng lượng vào cuối tháng 11

Quốc tế - Ngày đăng : 14:09, 26/10/2022

Liên minh châu Âu (EU) cần sớm thông qua gói biện pháp khẩn cấp về năng lượng vào cuối tháng 11 nhằm giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Lời kêu gọi trên được các quan chức năng lượng EU đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng Năng lượng châu Âu diễn ra tại Luxembourg ngày 25/10.

nang-luong-26102022.jpg
Cơ sở lọc dầu tại Bratislava, Slovakia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Gói biện pháp khẩn cấp được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất tuần qua bao gồm mua chung khí đốt, thiết lập tiêu chuẩn giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dựa trên giao dịch và các quy định thống nhất giữa các nước thành viên trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung năng lượng.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Jozef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại CH Séc, đồng thời là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bộ trưởng châu Âu, nhấn mạnh cuộc họp cho thấy nỗ lực của các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nhằm đảm bảo gói biện pháp khẩn cấp về năng lượng đang đi đúng hướng. Do đó, ông Sikela kêu gọi tiến hành một cuộc họp nữa của Hội đồng Bộ trưởng vào ngày 24/11 tới để thông qua gói biện pháp trên.

Về phần mình, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, bà Kadri Simson, đánh giá gói biện pháp khẩn cấp trên bao gồm nhiều yếu tố quan trọng cần thảo luận để sẵn sàng được thông qua tại cuộc họp bất thường tiếp theo của Hội đồng Bộ trưởng.

Một trong những nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của các bộ trưởng năng lượng EU là biện pháp mua chung khí đốt nhằm giảm bớt tình trạng thiếu phối hợp trong mua khí đốt, tạo cơ hội tiếp cận khí đốt công bằng hơn cũng như giúp giảm giá nguồn nhiên liệu này.

Liên quan đề xuất thiết lập một tiêu chuẩn mới về giá LNG, bà Simson cho biết các bên đã đồng thuận rộng rãi về đề xuất này, vốn sẽ giúp tăng tính minh bạch và tăng khả năng dự báo giá sớm. Các bộ trưởng cũng ủng hộ đề xuất về quy định chung giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt về đề xuất áp trần giá khí đốt và cơ chề điều chỉnh giá trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan.

Cuộc họp của Hội đồng Năng lượng châu Âu ngày 25/10 là cuộc họp thường kỳ đầu tiên của các bộ trưởng EU kể từ tháng 8 năm nay, sau ba cuộc họp bất thường.

310485958_956671481959034_4110631360650019096_n.png.jpg
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế Fatih Birol. Ảnh: Reuters

Theo ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành IEA, việc châu Âu tăng cường nhập khẩu LNG trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine leo thang và khả năng Trung Quốc hồi phục nhu cầu năng lượng sẽ khiến thị trường LNG siết chặt, khi dự kiến chỉ có 20 tỷ m3 LNG được đưa ra thị trường vào năm tới.

Đồng thời, quan chức IEA cho rằng việc cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) là một quyết định “rủi ro”.

“Đây là một quyết định đầy rủi ro vì một số nền kinh tế trên thế giới đang trên bờ vực suy thoái”, ông Birol nói.

Giá năng lượng toàn cầu, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, tăng vọt đang tác động đến người tiêu dùng trong bối cảnh họ phải đối mặt với lạm phát giá thực phẩm và dịch vụ.

H Lan (Tổng hợp)