Đề nghị xem xét giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá biển số xe ô tô

Chính trị - Ngày đăng : 18:39, 26/10/2022

BTO-Sáng 26/10, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại Tổ 5.

Thảo luận Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các ĐBQH đồng tình với việc ban hành Nghị quyết để phục vụ nhu cầu của một bộ phận người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhưng cũng phải đảm bảo công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị giải trình làm rõ về giá khởi điểm, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, việc sử dụng tiền thu được từ đấu giá…

1.jpg
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ tham gia thảo luận.

Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết, về mức giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá biển số xe, tại khoản 1 điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá vùng 1 (gồm: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng.
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ cho rằng quy định mức đấu giá vùng như trên là không có cơ sở; vô hình trung phân biệt vùng miền, không đảm bảo công bằng và đề xuất mức đấu giá khởi điểm là 20 triệu đồng áp dụng trên phạm vi cả nước.

Liên quan đến quyền của người nhận chuyển nhượng xe, người được tặng, cho, thừa kế biển trúng đấu giá xe, ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ cơ bản thống nhất dự thảo. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, nên cho người nhận chuyển nhượng được đăng ký xe thuộc sở hữu của mình vì trong trường hợp xe gắn biển số hư hỏng hoặc bị tai nạn không sửa được thì được giữ lại biển số đăng ký để gắn vào xe khác...

Về thời gian thí điểm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho rằng nghị quyết chỉ nên thí điểm trong vòng 2 năm, không nên kéo dài 3 năm. Dự thảo Nghị quyết nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân đồng thời tăng thu ngân sách, do vậy ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần công khai, minh bạch trong quá trình cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để đảm bảo đúng chủ trương, mục đích đề ra.

11.jpg
ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông thảo luận 

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các ĐBQH còn cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông thống nhất quan điểm cần có cơ chế đặc thù để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phát triển xứng tầm, trở thành thủ phủ của Tây Nguyên. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn trong dự thảo nghị quyết vẫn chưa có nhiều chính sách đặc thù ưu đãi để Buôn Ma Thuột phát triển bền vững theo tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Buôn Ma Thuột. Do vậy, ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông đề xuất, cần có những chính sách đặc thù mạnh mẽ hơn nữa để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá và tạo tiền đề phát triển không chỉ đối với thành phố Buôn Ma Thuột mà cả khu vực Tây Nguyên.
Ngoài ra, các ĐBQH đã tập trung cho ý kiến vào việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột như: Được miễn thuế thu nhập cá nhân, được tạo điều kiện, chính sách đãi ngộ thỏa đáng…

Trong phiên họp chiều, Quốc hội làm việc phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đồng thời, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

T.HÀ