Sôi động Katê
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:01, 27/10/2022
Ngỡ ngàng nét đẹp vùng miền
Lễ hội Katê năm 2022 tại Tháp Pô Sah Inư của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn được tổ chức hàng năm diễn ra rộng khắp tại các đền, tháp và các làng Chăm trong tỉnh. Đây cũng là dịp đặc biệt công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 27 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2022).
Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn có quá trình hình thành, tồn tại từ rất lâu đời trong lịch sử và được duy trì đến ngày nay. Đây là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của người Chăm, phản ánh những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật gắn với sinh hoạt và đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của cộng đồng. Tết Katê không chỉ thể hiện lòng thành, biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã bảo bọc, chở che cho con cháu khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc; thể hiện khát vọng của cộng đồng luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, đây cũng là nơi thắt chặt tinh thần đoàn kết, mối tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau.
Trong dòng người đến chung vui với lễ hội, nhiều du khách đến từ nhiều tỉnh, thành khác như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk. Nhiều du khách đã tỏ ra thích thú khi chiêm ngưỡng những nghi thức độc đáo chỉ có ở Lễ hội Katê. Ông Y Kuôm Niê Siêng – người Ê Đê (TP. Buôn Mê Thuột), chia sẻ cảm xúc: “Tôi đến đây trong dịp tham quan du lịch, trong đó lịch trình của đoàn là tham quan khu đền tháp này, đúng vào dịp Lễ hội Katê. Bản thân tôi cũng thấy vui cùng đồng bào Chăm, vì đã giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy tôi là người Ê Đê nhưng tôi nghĩ dù là dân tộc nào thì điểm chung cũng mong muốn có cuộc sống ấm no đủ đầy hạnh phúc, cũng cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người bình an”.
Giá trị của điểm đến
Với những giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa đặc sắc, ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 776 đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh đã phát biểu tại buổi lễ sáng 25/10: “So với các lễ hội khác trong tỉnh, Katê được coi là lễ hội lớn, dài ngày, số lượng nhân dân và du khách đến tham quan, bái tế đông. Do đó phải bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị lễ hội phục vụ đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm và góp phần phát triển du lịch địa phương”.
Giá trị của điểm đến
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Ngoài tổ chức lễ hội chu đáo, có phương án bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ… đảm bảo an toàn cho người dân cũng như du khách đến tham dự lễ hội. Chú trọng gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn phần lễ trong lễ hội, từ thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ, thành phần tham gia cúng lễ, trang phục của các chức sắc, phụ nữ, thanh niên, thiếu nữ Chăm, đối tượng thờ cúng, lễ vật dâng cúng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống… phù hợp với đặc thù và truyền thống văn hóa của địa phương. Có lẽ, đây cũng là tín hiệu vui để trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận”.
“Với cá nhân tôi, việc đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một thuận lợi cho du lịch địa phương. Đối với người làm du lịch, hướng dẫn viên khi đưa khách đến ở một danh thắng được công nhận di tích quốc gia sẽ là rất thu hút du khách tại một vùng miền nào đó” – hướng dẫn viên du lịch Phạm Văn Tước chia sẻ.
Khuôn viên của nhóm đền tháp Tháp Pô Sah Inư, giữa trưa vẫn vang vọng điệu kèn Saranai trên ngọn đồi lộng gió. Điệu múa Chăm bồng bềnh thấp thoáng, lãng đãng như tâm hồn của người Chăm cần mẫn, vun đắp vì một niềm an vui.