Khơi thông điểm nghẽn để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững
Trong nước - Ngày đăng : 14:55, 27/10/2022
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2022 khoảng 8% và tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5% đòi hỏi phải có các giải pháp điều hành đồng bộ, linh hoạt, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Nền kinh tế đã trải qua gần 10 tháng của năm 2022 - với một bối cảnh, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường; dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp... đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn; Giá nhiều mặt hàng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh; lạm phát tăng cao đột biến dẫn đến tăng trưởng giảm tốc, thậm chí đối mặt với nguy cơ suy thoái ở nhiều nền kinh tế trong đó có cả những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Song, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xuyên suốt “ý Đảng - lòng dân”; Từ việc ban hành kịp thời các Nghị quyết của Quốc hội ngay từ đầu năm, nhất là Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã được hiện thực hoá bằng Nghị quyết số 11 của Chính phủ; Và trước đó là Nghị quyết số 30 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV với nhiều Quyết nghị rất mạnh mẽ về công tác phòng chống dịch gắn với phát triển kinh tế, ổn định xã hội - mở đường cho việc ra đời Nghị quyết số 128 của Chính phủ - đã đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới…
Nhờ đó, nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: Tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực quan trọng của nền kinh tế, là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, góp phần quan trọng đưa GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ năm trước - là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong suốt 12 năm qua. Cùng với tăng trưởng cao là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (CPI 9 tháng tăng 2,73%), các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định…
Song, với một nền kinh tế có độ mở lớn (tới hơn 200% GDP) như Việt Nam, vẫn còn rất nhiều rủi ro tiềm ẩn tác động từ bên ngoài cũng như từ chính nội tại của nền kinh tế, tạo áp lực rất lớn lên tăng trưởng cũng như kiểm soát lạm phát trong thời gian tới, đòi hỏi cần phải có cả sự chủ động lẫn không chủ quan trong công tác dự báo, điều hành.
Cần phải làm rõ những yếu tố không thuận, thậm chí là điểm nghẽn tác động tới “3 chân kiềng” quan trọng của tăng trưởng kinh tế, đó là “xuất khẩu”, “đầu tư” và “tiêu dùng nội địa”.
Cụ thể, với hoạt động xuất khẩu, mặc dù ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước gần 10 tháng đã đạt hơn 620 tỷ USD và cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu tới gần 8 tỷ USD…
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm xuất khẩu và thậm chí là khả năng thâm hụt trong cán cân thương mại hàng hóa là rất cao - khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của ta như dệt may, da giầy, đồ gỗ… phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đơn hàng, thậm chí bị hủy đơn hàng đã ký trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 do cắt giảm tiêu dùng bởi áp lực lạm phát của nhiều quốc gia.
Kiềm chế lạm phát nhằm thúc đẩy tăng trưởng
Trao đổi bên lề Quốc hội, ông Vũ Tiến Lộc, ĐBQH Hà Nội cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế gặp những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, mọi chính sách cần cân nhắc và cẩn trọng. Thời gian gần đây, biến động của giá xăng dầu thế giới do ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị giữa một số quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế trong nước; đặc biệt là tới hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp.
“Diễn biến giá xăng dầu kéo dài đã gây bất lợi, vì đây là yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu kéo theo giá cả của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các hàng hóa, dịch vụ khác cũng ở mức cao, khó giảm thấp, gây trở ngại lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho biết.
Những băn khoăn lo lắng của người dân, doanh nghiệp về việc điều hành chính sách bình ổn giá xăng dầu là có cơ sở. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với một số sản phẩm thuộc mặt hàng này. Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan trong điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai. Cùng với đó, làm rõ các tồn tại trong chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu; khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm… làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
“Trước áp lực lạm phát gia tăng thì đó đang là mối lo lắng lớn nhất hiện nay. Mục tiêu hàng đầu trong năm tới phải là kiềm chế lạm phát. Đây là việc quan trọng nhất. Nếu để lạm phát gia tăng thì sẽ không ổn. Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, ở thời điểm hiện nay, theo tôi là cần thiết bởi đó có thể sẽ là yếu tố giảm đà lạm phát gia tăng”, ĐBQH Vũ Tiến Lộc chia sẻ.