“Ngay thẳng” mà làm chuyện mờ ám

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:20, 28/10/2022

Vào lúc rạng sáng một ngày vừa qua, tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Phú Quý đã phát hiện, bắt giữ Nguyễn Ngay (SN 1978) và Nguyễn Thẳng (SN 1974) cùng trú tại xã Long Hải - Phú Quý, đang mang theo 8,3 kg thuốc nổ, cùng 72 kíp nổ để đi đánh cá.
z3805805747641_91b90a0539cf4770f8b9b453d9f87605.jpg
Hai đối tượng (Nguyễn Ngay và Nguyễn Thẳng) cùng tang vật vi phạm.

Dù pháp luật đã nghiêm cấm việc khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt, nhưng tình trạng một số ngư dân ở huyện đảo Phú Quý lén lút sử dụng thuốc nổ, chất độc, công cụ kích điện để đánh cá vẫn diễn ra. Nhiều vụ mua bán, vận chuyển chất nổ từ đất liền ra đảo để đánh cá đã bị phát hiện. Chỉ trong hơn 9 tháng đầu năm nay, Đồn Biên phòng Phú Quý đã phát hiện 9 trường hợp khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt, thu giữ nhiều cây súng điện, thuốc nổ, cùng các tang vật vi phạm khác.

Thực trạng đáng lo ngại này làm nhiều người nhớ lại vụ nổ kinh hoàng xảy ra vào ngày 1/6/2016, tại nhà anh Nguyễn Văn Bé (34 tuổi) ở thôn Quý Hải, xã Long Hải, Phú Quý làm 5 người bị thương, 49 ngôi nhà hư hại, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân do Bé đã tàng trữ hơn 18 kg thuốc nổ, hơn 800 kíp nổ và dây cháy chậm trong nhà để bán cho ngư dân đánh cá. Nhưng vợ Bé trong lúc nấu cơm chiều sơ suất đã làm bén lửa… Nguyễn Văn Bé sau khi xuất viện đã bị tòa tuyên phạt 4 năm tù giam về tội “mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ”. Vụ việc này đã cảnh báo việc đánh cá bằng chất nổ không chỉ hủy diệt nguồn lợi thủy sản, mà còn đe dọa mạng sống của những người sử dụng chất nổ.

Những năm gần đây, giá xăng dầu liên tục leo thang, cộng với nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, khiến nghề biển gặp rất nhiều khó khăn, nhiều tàu thuyền phải nằm bờ không dám ra khơi, đời sống ngư dân bị ảnh hưởng lớn. Một trong các nguyên nhân là kiểu khai thác tận diệt bằng thuốc nổ, xung điện, chất độc xyanua, các nghề cấm… gây tác hại lâu dài, hủy hoại môi trường sinh thái biển. Mặc dù bị pháp luật nghiêm cấm, các vụ vi phạm bị phát hiện bị xử lý nghiêm minh, nhưng biển cả mênh mông, lực lượng kiểm tra mỏng, tàu cá vi phạm thì ngày càng tinh vi hơn, bố trí cả người cảnh giới, nhanh chóng phi tang tang vật khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra. Trong nhiều trường hợp khi tiếp nhận tin báo của dân qua đường dây nóng, Chi cục Thủy sản đi kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm, trong khi chi phí nhiên liệu cho một chuyến kiểm tra trên biển khá cao.

Tình trạng khai thác tận diệt còn lén lút tiếp diễn ở nhiều vùng biển trong nước, phá hoại nguồn lợi thủy sản, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát cả trên biển, trên bờ, đồng thời huy động được đông đảo bà con ngư dân vào cuộc, cùng tham gia ngăn chặn. Ở Bình Thuận hàng năm Chi cục Thủy sản phối hợp huyện Phú Quý mở lớp tuyên truyền về các quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tác hại của việc khai thác tận diệt, để bà con ngư dân nhận thức rõ bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là bảo vệ sinh kế và tương lai của các thế hệ ngư dân, cùng lên án hành vi khai thác tận diệt, không mua bán, tiêu dùng các sản phẩm thủy sản từ khai thác tận diệt.

Đã 5 năm Việt Nam nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC nhưng chưa kết quả. Cùng với ngăn chặn tàu cá và ngư dân ta xâm phạm vùng biển nước ngoài, cần quyết liệt ngăn chặn nạn khai thác tận diệt bằng chất nổ, xung điện, thuốc độc, các nghề cấm, góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, để nghề cá nước ta phát triển bền vững.

Đặng Dũng