Lao động tự do chật vật mưu sinh
Xã hội - Ngày đăng : 05:46, 01/11/2022
Lận đận nghề xe ôm
Ngay ở trạm chờ xe buýt ngã 3 đường Trần Hưng Đạo và Lê Hồng Phong, ông Lê Văn Bảy ngụ ở phường Đức Thắng (Phan Thiết) cắm chốt từ sáng sớm đến quá 12 giờ trưa mà vẫn chưa có khách. “Nghề này đâu có giờ giấc nghỉ trưa hay tối, chỉ khi nào không có khách về nhà mới gọi là nghỉ”, người đàn ông lớn tuổi, cao gầy nói về công việc của mình khi tôi trò chuyện.
Tranh thủ lúc chờ khách ông Bảy lau chiếc xe.
Trước đây ông Bảy làm nghề sửa xe đạp ở cảng cá Phan Thiết thu nhập cũng ổn định. Qua thời gian phương tiện xe đạp ngày càng vắng bóng, thấy sức khỏe mình tốt ông chuyển sang chạy xe ôm. Nghề chạy xe ôm tuy cực phải rong ruổi cả ngày ngoài đường nhưng bù lại thu nhập có đồng ra đồng vào. Vài năm nay khi các loại hình xe dịch vụ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các xe buýt, dịch vụ taxi, xe công nghệ cạnh tranh “bắt” khách, thế là “nồi cơm” của ông Bảy cũng như nhiều người lái xe ôm như ông vơi đi. Trước thời điểm dịch Covid - 19, mỗi ngày chạy xe ông Bảy kiếm được 200.000 đồng, 2 năm nay dịch Covid-19 thu nhập chỉ lay lắt qua ngày. “Hiện nay dịch bệnh cũng đã ổn nhưng khách đi xe ôm ngày càng vắng do cạnh tranh, nhu cầu đi lại thấp. 20 năm bám nghề xe ôm tôi cũng may sống một mình không con cái chứ lo cho gia đình là không gồng gánh nổi”, ông Bảy chia sẻ.
Ông Lê Văn Bình ngồi đợi khách.
Cùng làm nghề lái xe, ông Lê Văn Bình (56 tuổi) hoàn cảnh rất éo le. Trên chiếc xe Dream đời cũ ông Bình chỉ tôi túi nilon móc trên xe và nói: “Nhà tôi là chiếc xe Dream này thêm vài bộ quần áo cũ, còn cái võng cứ mang theo để bất cứ lúc nào mệt thì ngả lưng”. Không nhà cửa, lại bệnh tật trong người ban ngày ông Bình rong ruổi chạy xe, tối đến bất cứ nơi nào công viên, lề đường đều là nhà. Với người đàn ông “đường phố” này ông nói mình đã quen với cơ cực nên bình thường lắm. Ông Bình chạy xe ôm nay cũng được 15 năm, lúc trước cũng đủ tiền mướn nhà trọ để ở với giá 600.000 đồng/tháng. Rồi bạo bệnh bao nhiêu tiền dành dụm đều dồn để vào thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh. Ở Sài Gòn cạn sạch số tiền tích lũy, lay lắt đi xin ăn qua ngày mãi cũng không được. Về quê làm thời gian gặp dịch Covid - 19 khó khăn quá tôi trả phòng trọ vạ vật ngoài đường. Tôi cũng đi khắp nơi tìm phòng nhưng giá thấp nhất 1,2 triệu đồng/phòng, lấy đâu tiền mà thuê”, ông Bình nói.
Tiến vừa làm nhân viên cho dự án du lịch vừa chạy xe công nghệ cải thiện thu nhập.
Xoay xở khi giá cả leo thang
Nghề chạy xe công nghệ cũng than khó thu nhập giảm so với thời điểm trước dịch Covid – 19. Nguyễn Văn Tiến 29 tuổi ở phường Hưng Long (TP. Phan Thiết) mưu sinh bằng nghề chạy xe công nghệ 3 năm nay. Thời điểm trước dịch mỗi ngày chạy xe Tiến kiếm được từ 250.000-300.000 đồng, nhất là những ngày cuối tuần anh làm không hết việc có khi thu nhập cả triệu đồng. Tiến nói: “Tưởng rằng sau dịch, nghề này sẽ khởi sắc hơn thì lại gặp cảnh xăng tăng, nhu cầu đi lại của khách giảm rõ rệt, một cuốc chở khách trừ thuế và chi phí khác, thu nhập còn lại không đáng bao nhiêu”.
Để tăng thu nhập, gần đây Tiến xin việc làm dự án du lịch ở xã Tiến Thành. Hiện công trình đang dừng thi công, Tiến lại mở app tranh thủ ra đường nhận khách chạy để kiếm thêm thu nhập. Nhiều lao động tự do khác cũng đang phải gồng mình kiếm kế sinh nhai. Họ đa phần không được đào tạo nghề, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp… Như vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiếu ở Khu Văn Thánh (phường Phú Tài) mọi sinh hoạt chi tiêu đều trông chờ vào mấy tờ vé số. “Cả hai vợ chồng ngày nào bán đắt lắm mới được 400.000 đồng phải chi ăn, tiền học cho con. Nếu trước đây, một bữa ăn 3 người chỉ hết khoảng 40.000 đồng, thì bây giờ phải 50.000 - 60.000 đồng mới đủ cho một bữa ăn”, anh Hiếu chia sẻ.
Hiện tại, giá xăng đã giảm, nhưng việc giảm giá các mặt hàng thiết yếu vẫn còn khá “ì ạch”. Nhiều gia đình công nhân, người lao động thu nhập thấp khác cũng đang đau đầu với bài toán chi tiêu. Hiện nay, tuy lạm phát vẫn ở mức thấp, giá xăng dầu giảm sâu, người dân kỳ vọng giá cả sẽ giảm để bớt các chi phí. Tuy nhiên, thông thường giá sản phẩm đã thiết lập mức giá bán mới sẽ rất khó để xuống lại mốc khởi điểm khiến nhiều người phải “thắt lưng buộc bụng” để duy trì cuộc sống.