Đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật hợp tác xã

Chính trị - Ngày đăng : 08:05, 02/11/2022

BTO-Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 1/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại Tổ 5.

Cho ý kiến vào dự án Luật HTX (sửa đổi), các ĐBQH tán thành với việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật HTX hiện hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững; giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật hợp tác xã

Tên gọi dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến góp ý của ĐBQH. Theo đó, tại Kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc 2 phương án: (1) Luật các tổ chức kinh tế hợp tác và (2) Luật HTX (sửa đổi). Tham gia ý kiến cụ thể liên quan đến tên gọi, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật HTX. Lý giải về điều này, đại biểu Yến cho biết: “Đến tháng 10/2022, chúng ta có trên 120.000 tổ hợp tác và có hơn 26.000 HTX và chỉ có trên 100 liên hiệp HTX. Chúng ta chưa ghi nhận các liên đoàn HTX nào nhưng chúng ta có một hệ thống HTX được thành lập ở Trung ương và 63 tỉnh, thành, địa phương, đó là hệ thống liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh, thành phố. Một đặc điểm nữa là cho dù đó là tổ hợp tác; HTX; liên hiệp HTX hay liên đoàn HTX; liên minh HTX thì các nguyên tắc của tổ chức này về cơ bản là thống nhất và thống nhất với 7 nguyên tắc của Liên minh HTX quốc tế. Chính vì vậy, không có sự khác biệt, do vậy, đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật HTX”.

1.jpg
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận chiều 1/11.

Đối với nội dung cần phải thể chế hóa hết sức cụ thể liên quan tới vấn đề về sở hữu, theo đại biểu Yến, dự thảo luật có một điểm rất tiến bộ đó là đề cập tới những tài sản chung không chia. Tại Điều 71, Khoản 3 đã đưa ra những quy định cụ thể đối với tài sản chung không chia khi các HTX bị phá sản hoặc giải thể hoạt động. Đại biểu Yến kiến nghị: “Nếu như chúng ta chưa tiến hành sửa Bộ luật dân sự thì trong Luật HTX cần phải có sự ghi nhận, công nhận về hình thức sở hữu tập thể đối với quỹ chung không chia, tài sản chung không chia. Qua đó, đảm bảo nguyên tắc đối nhân trong các HTX được thể hiện và kế thừa tích lũy tài sản của khu vực kinh tế tập thể này qua các thời kỳ, qua các giai đoạn, qua các thế hệ...”

Làm rõ trách nhiệm của MTTQ Việt Nam với phát triển kinh tế tập thể

Liên quan đến phân phối thu nhập của tổ chức kinh tế HTX, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) có 3 phương án gồm: Phương án thứ nhất đó là trích 100% lợi nhuận hằng năm vào quỹ chung không chi; phương án thứ hai là trích 1 phần là lợi nhuận hằng năm đưa vào quỹ chung không chia theo tỷ lệ là 5 % đối với HTX, 10 % đối với liên hiệp HTX; phương án ba là 20 % đối với HTX, 20 % đối với liên hiệp HTX và 30 % đối với liên đoàn HTX. Theo ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh chọn phương án 3. “Đây là phương án rất phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa tìm kiếm lợi nhuận ở bên ngoài cùng với việc hướng đến là tích tụ nguồn lực để phục vụ và phát triển thành viên của các tổ chức kinh tế, HTX” - đại biểu Bố Thị Xuân Linh lý giải.

2.jpg
ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh tham gia thảo luận.

Góp ý cụ thể tại Khoản 1, Điều 6 quy định là tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội sự nghiệp trong tổ chức HTX, kinh tế HTX hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật. Theo dự thảo quy định chưa đầy đủ và chưa chặt chẽ cho nên đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Ban biên soạn nên nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh trong điều khoản này để phù hợp với tình hình hiện nay. Về Điều 107, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị cơ quan biên soạn cần phải nghiên cứu và bổ sung làm rõ nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng như các tổ chức chính trị xã hội đối với phát triển kinh tế, nhất là kinh tế tập thể.

Cũng trong phiên thảo luận tổ chiều 1/11, ĐBQH tổ 5 cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

T.HÀ