Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia

Chính trị - Ngày đăng : 05:16, 03/11/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thảo luận tại Tổ 5.

Tham gia ý kiến, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Từ đó, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.

1.jpg
ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh tham gia thảo luận Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Khẳng định việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội trong giai đoạn hiện nay, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh cho rằng, tại Điều 7 liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử, trong các khoản có sự phân công trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan chưa rõ ràng. Đại biểu Linh đề nghị cần có một khoản riêng tại dự thảo luật để quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, nhất là cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp chuyên ngành. Mục đích là để đảm bảo đồng bộ cũng như thống nhất trong quản lý nhà nước, quá trình kiểm tra, đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ của các hệ thống thông tin phục vụ cho giao dịch điện tử.

Đại biểu Linh cũng bày tỏ băn khoăn quá trình triển khai thực hiện giao dịch điện tử còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu về hạ tầng đường truyền, hệ thống kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu vẫn còn là nhân tố cản trở rất lớn trong quá trình triển khai thực hiện giao dịch điện tử.

Trong quá trình sửa đổi về Luật Giao dịch điện tử, đại biểu Linh đề xuất cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cấp phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả. Đồng thời, có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng, tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt năm 2021 và giai đoạn 2021-2025…

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

T.HÀ