Phân vùng khô hạn để phát triển sản xuất phù hợp
Kinh tế - Ngày đăng : 05:24, 03/11/2022
Vùng ít mưa, thừa nắng
Không chỉ ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino xuất hiện những năm gần đây, ở vị trí cực Nam Trung bộ, tỉnh ta cũng nằm trong vùng ít mưa. “Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, tổng lượng mưa hàng năm ở mức trung bình, phân hóa mạnh theo không gian, lượng bốc hơi lớn, số giờ nắng cao. Do đó, tình hình hạn hán xảy ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh, với tần suất 2 - 3 năm; còn hạn vừa, hạn nặng khoảng 4 - 5 năm. Thời gian hạn hán trên địa bàn tỉnh chủ yếu xảy ra vào sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau”, các chuyên gia Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ đã nhận định như trên tại hội thảo Nghiên cứu phân vùng khô hạn và quản lý giám sát hạn hán trên địa bàn Bình Thuận, do Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức mới đây.
Các chuyên gia tính toán chỉ số hạn nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 3 hầu hết các khu vực trong tỉnh đều chịu mức hạn khắc nghiệt, bởi thời gian này hầu như không mưa, nắng nhiều bốc hơi lớn. Bắt đầu từ tháng 4 khu vực phía Tây Bắc (Đức Linh, Tánh Linh) và phía Tây Nam (thị xã La Gi, Hàm Tân) xuất hiện mưa dông, do gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động gây mưa các nơi này. Nhờ đó, hạn hán giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức hạn khá khắc nghiệt. Phía trên, 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh nằm quanh lưu vực sông La Ngà chỉ còn ở mức hạn nhẹ. Còn khu vực huyện Tuy Phong vẫn ở mức hạn hán khá khắc nghiệt… Trong khi đó, xét theo chỉ số hạn thủy văn, huyện Bắc Bình, nhất là 2 xã ven biển (Hòa Thắng, Hồng Phong) chịu mức độ hạn đặc biệt, khoảng thời gian từ tháng 2 - 4 hàng năm.
Trong những năm gần đây, tình hình hạn hán ở Bình Thuận càng trở nên phức tạp, gây thiệt hại rất lớn đối với các ngành kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp, khi mà trình độ sản xuất, biện pháp, kỹ thuật canh tác chưa áp dụng hiệu quả khoa học công nghệ mới. Điển hình 2 vụ đông xuân 2015 - 2016, 2019 - 2020, hạn hán xảy ra nghiêm trọng, không chỉ làm thiệt hại 4.000 ha hoa màu mùa vụ 2019 - 2020, mà còn gây tình trạng thiếu nước sinh hoạt nhiều nơi trong tỉnh.
Đề xuất giải pháp chống hạn hán
Bên cạnh các giải pháp công trình như bảo vệ phát triển rừng, tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi... các chuyên gia cũng đã nêu giải pháp phòng, chống hạn cụ thể ở từng địa phương. Cụ thể, huyện Tuy Phong áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, nguồn nước; xây dựng vùng chuyên canh thuận lợi cho hệ thống tưới nước tiết kiệm (áp dụng cả cho huyện Bắc Bình). Ở Bắc Bình cần chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp, màu tại những nơi nguồn nước hạn chế trong mùa khô; người dân tận dụng tối đa nguồn nước dồi dào của sông Lũy cho việc tưới tiêu, phòng chống hạn. Huyện Hàm Thuận Bắc có các công trình thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, cần tiếp tục hoàn thiện, kiên cố hóa hệ thống kênh mương tránh rò rỉ, thất thoát nước trong quá trình khai thác; xây dựng kế hoạch gieo trồng phù hợp nguồn nước. 2 huyện (Hàm Thuận Nam, Hàm Tân) chú trọng đầu tư công trình thủy lợi, thực hiện xã hội hóa công tác thủy lợi, nâng cao tỷ lệ tưới chủ động; chuyển đổi cây trồng từ lúa sang trồng bắp, hoa màu sử dụng ít nước, hiệu quả kinh tế cao; sử dụng các loại giống cây ngắn ngày, khả năng chịu hạn; chuyển đổi vụ đông xuân thành vụ mùa muộn để tận dụng lượng nước cuối mùa mưa đầu mùa khô.
Ở 2 huyện (Tánh Linh, Đức Linh), tiếp tục đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng tăng cường tưới tiêu; xây dựng vùng chuyên canh thuận lợi cho hệ thống tưới tiết kiệm; tận dụng tối đa nguồn nước dồi dào sông La Ngà phục vụ sản xuất. Vùng ngoại ô TP. Phan Thiết, thị xã La Gi, chính quyền huy động người dân nạo vét kênh mương nội đồng, đắp đập tạm để trữ nước; khai thác nguồn nước từ các giếng khoan, giếng đào cấp nước mùa khô, sử dụng các loại cây chịu hạn. Riêng huyện đảo Phú Quý đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu; nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm hiệu quả cao, chuyển đổi cây trồng phù hợp địa chất...