Phát huy nguồn lực đất đai trong giai đoạn mới
Chính trị - Ngày đăng : 17:03, 03/11/2022
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trên thực tế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18. Đồng thời, phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Đặc biệt, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm nhằm thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tham gia ý kiến liên quan đến việc quản lý đất nông lâm trường, đất rừng, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Đặng Hồng Sỹ đề xuất phải quản lý theo hướng có quy trình xử lý nghiêm, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự nếu có, không để xảy ra tình trạng mất đất của nhà nước. Quan tâm đến vấn đề giá đất, đại biểu Sỹ thống nhất cơ chế một giá trong điều kiện bình thường nhưng cần nói rõ hơn thế nào là “bình thường?”. Cách tính giá đất bằng nhiều phương pháp theo từng loại đất như thế nào cần phải quy định rõ tránh gây khó khăn cho các địa phương. Đơn cử như đất nông nghiệp, đất ở tính theo phương thức, công thức nào?
Bên cạnh đó, ĐBQH tỉnh Đặng Hồng Sỹ đề xuất nguồn gốc sử dụng đất phải tính toán dứt điểm, công khai xử lý. “Đất đai do nhà nước sở hữu, người dân có quyền sử dụng nhưng vẫn còn xuất hiện tình trạng thừa nhận đất khai hoang. Đây là vấn đề phức tạp nhất nếu chúng ta xử lý dứt điểm, xác nhận là không thừa nhận đất khai hoang thì sẽ giải quyết vấn đề đất đai rất tốt” – Đại biểu Sỹ nói.
Tham gia ý kiến, ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông thống nhất quan điểm sửa đổi Luật đất đai nhưng cần nhanh chóng và thận trọng, đưa vào luật những nội dung thực tiễn, thiết thực. Liên quan đến vấn đề tiếp cận đất trồng lúa, ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông đồng quan điểm với đại biểu Đặng Hồng Sỹ không nên hạn chế người tiếp cận đất đai, nhất là đất lúa. Góp ý liên quan đến vấn đề tài chính về đất đai, đại biểu Thông cho rằng, trong dự thảo luật chưa nêu rõ việc tiếp cận đất của người dân, nhất là đất ở; thực tế hiện nay người dân muốn chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở rất gian nan. Do vậy, đại biểu Thông đề nghị dự thảo luật nên quy định rõ vấn đề tài chính về đất đai trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất như thế nào.
Xung quanh vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư, ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông thống nhất quan điểm khi thu hồi đất bố trí tái định cư nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Tại Điều 93, đại biểu Thông đề nghị đưa nội dung phê duyệt phương án bồi thường tái định cư vào khoản 3; tiếp đó là quyết định thu hồi đất vào khoản 4.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về vấn đề xử lý vi phạm đối với việc sử dụng đất đai sai mục đích; quy định chế tài và xử lý trách nhiệm đối với đơn vị tư vấn thẩm định giá đất khi lập dự án; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; việc bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”…