Tìm về mấy nhịp cầu Quan…

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:56, 04/11/2022

Tại trung tâm thành phố Phan Thiết ngày nay có cây cầu Lê Hồng Phong nguồn gốc từ cây cầu Quan bắc qua dòng Cà Ty thuở trước...

Theo tư liệu lịch sử và ghi chép điền dã, từ thời nhà Nguyễn đã chú trọng việc mở rộng đường cái quan (quan lộ) xuyên Việt Bắc - Nam và phát triển đường quan báo, trên con đường này cứ cách khoảng 25 – 30 dặm (15 – 20 km) đặt một nhà trạm để canh phòng và vận chuyển văn thư, tài vật từ kinh đô đi khắp nơi và ngược lại. Riêng đường cái quan qua Bình Thuận có lẽ khởi đầu từ năm 1809 vua Gia Long đã cho đắp đường quan (quan lộ) ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận. Đường quan báo qua Bình Thuận chia làm 16 trạm, qua địa bàn thành phố Phan Thiết ngày nay tính từ phía Nam ra có 3 trạm: Thuận Lý (nằm ở Khe Cả, xã Tiến Thành với tên gọi địa danh xưa: Xóm Trạm), Thuận Phan (nằm ở đầu cầu Ké làng Tân Phú, xưa thuộc Phú Hài, nay là Thanh Hải), Thuận Tỉnh (làng Thiện Nghiệp với địa danh xưa: Xóm Trạm)…

1-cau-quan.jpg

Lần trang sách cũ, Đồng Khánh địa dư chí tỉnh Bình Thuận (1886-1888) mục Phủ Hàm Thuận có ghi rõ: “Một dòng sông lớn ở phía tây phủ lỵ, gọi là sông Phan Thiết, bắt nguồn từ động sơn man chảy về phía đông, qua xã Phú Hội, lại chuyển dòng về phía nam, đến xã Phú Tài, dài 54 dặm, rộng 40 trượng, 4 thước. Lại một nhánh từ bến Danh Bình chảy về phía đông nam, qua cầu thôn Minh Lâm, cũng đến xã Phú Tài, dài 13 dặm, rộng 6 trượng, sâu 1 thước 1 tấc. Hai nhánh trên hợp dòng chảy về phía nam 1 dặm, đến cầu xã Đức Thắng trên đường quan báo làm thành sông Phan Thiết. Lại chảy khoảng 4 dặm đổ ra cửa tấn Phan Thiết”.

Qua đoạn trích trên cho thấy: Cây cầu xã Đức Thắng (còn gọi “Thắng Kiều”) nằm trên đường quan báo, lại là nơi có cửa tấn quan trọng nên lâu dần mới có tên gọi cầu Quan theo đúng nghĩa cầu Quan là cây cầu nằm trên đường quan lộ, quan báo. Và cửa tấn Phan Thiết ngày càng phát triển với “Hai bên tấn ấy dân đông đúc, quán xá san sát, thuyền buôn cá hàng ngày đi lại tấp nập. So với các tấn trong tỉnh hạt thì tấn này hơn cả” (Đồng Khánh địa dư chí), cây cầu không còn là “cầu xã Đức Thắng” mà có tên gọi “cầu Quan Phan Thiết”. Trong hồ sơ khoa học về Di tích đình làng Đức Thắng do Bảo tàng Bình Thuận lập có ghi lại câu chuyện từ các bậc tiền bối làng Đức Thắng truyền lại. Đó là chuyện: Nhân một lần Tả quân Lê Văn Duyệt kinh lý vùng đất phía Nam ngang qua Phan Thiết năm 1816, ông Trần Chất – người có vai vế trong làng Đức Thắng cùng nhân dân làng Đức Thắng ra chặn đầu ngựa dâng sớ xin được giải quyết tranh chấp và xin được xây cầu, lập chợ. Tả quân Lê Văn Duyệt thấy vô cớ bị dừng xe, nên giận dữ khép tội dân làng phạm thượng và cho quân lính chém đầu ông Trần Chất ngay tại chỗ. Khi về lại kinh đô, đọc lại tờ sớ và xét thấy nhân dân vô tội, Tả quân Lê Văn Duyệt đã xin vua phong cho ông Trần Chất là Tiền hiền làng Đức Thắng.

Câu chuyện trên từ lớp người xưa truyền lại, chưa rõ thực hư, song lớp người sau vô cùng cảm kích các bậc tiền nhân đã có công “dựng đình, xây cầu, lập chợ”. Nhân dân làng Đức Thắng còn bảo quản một ngôi mộ cổ Tiền hiền Trần Chất và mộ của hai ông bà Hậu hiền Nguyễn Văn Tùng, tọa lạc ở khu suối Lỡ, thuộc xã Tiến Lợi, thành phố Phan Thiết. Trên mộ Tiền hiền có khắc chữ “Tiền triết chi mộ” và một đôi câu đối:

Hoài cổ khâm anh phong, công đức bất mai tam thiên thể

Vị hương lưu nhiệt huyết, tinh thần trường hộ nhất phương dân.

Tạm dịch:

Kính phục phong thái anh hùng, công đức ấy không chôn vùi dưới ba tấc đất.

Vì quê hương mà hy sinh, tinh thần đó sống mãi với dân chúng nơi đây.

Trong khu mộ còn có một Văn bia khắc chữ Hán lập vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928), xin trích dịch phần đầu bài Văn bia: “…Xã chúng ta, Tiền hiền có hai vị họ Trần, hai vị họ Lê, Nguyễn, vốn xưa kia là người có nghĩa khí, trí tài lại có thế lực, giàu lòng đức độ, phục vụ dân làng: Hoặc khai cơ lập ấp, lấy chữ Đức Thắng đặt tên làng, hoặc chiếm chợ tranh cầu mà dân ta thọ nhận. Trên thì có sông núi, sắc thái tươi tốt, quê hương thêm phần xán lạn, ấy cũng nhờ những người có tai mắt, danh vọng góp phần xây dựng mà ra...”.

Còn theo tập “Đức Thắng bất khuất – kiên cường” của Đảng bộ phường Đức Thắng xuất bản năm 2000 đã viết: “Tương truyền rằng, trong số người vào định cư đầu tiên tại phường Đức Thắng, có hai anh em họ Trần gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam. Người anh tên Trần Mưu khi vào đã tạo lập nên Vạn Nam Nghĩa (ở phường Đức Nghĩa). Còn người em tên là Trần Chất lại đến lưu trú tại xã Đức Thắng, là người có công hoạch định xóm làng cho hai phường Đức Nghĩa và Đức Thắng ngày nay… Vì thấy chợ Phan Thiết lúc bấy giờ nằm ở khu vực (nay là đường Phan Bội Châu ở Đức Nghĩa) không thể hiện là cầu nối trung tâm của việc đi lại giao dịch, mua bán. Ông Trần Chất mới đội sớ đón đường tiến quân của Tả quân Lê Văn Duyệt, để dâng lên bảng kiến nghị xin cho dời chợ về địa điểm mới nằm phía hữu ngạn sông Phan Thiết sát chân cầu Quan để cho dân tiện việc đi lại, mua bán…”.

Nhìn lại chúng ta thấy rõ ràng chợ Phan Thiết nằm ở vị trí trung tâm của 3 làng xưa ngày nay là 3 phường Đức Thắng, Đức Nghĩa và Lạc Đạo (cả 3 ngôi đình làng đều được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia), có đường quan báo đi ngang và có chiếc cầu Quan xinh xắn bằng gỗ lót ván. Đầu thế kỷ 20, Pháp xây dựng Đường thuộc địa số 1 (quốc lộ 1 ngày nay), bỏ đường cái quan cũ, song đoạn quốc lộ đi vào trung tâm Phan Thiết trùng với đường cái cũ, phía bắc tại xóm Hộ Văn (ngã 3 Tam Biên ngày nay) vào đi thẳng lên cầu Quan sau này đặt tên là Rue de Hue (đường Huế), qua trung tâm phố chợ Phan Thiết xuống làng Lạc Đạo và làng Tú Luông (ngày nay là đường Nguyễn Huệ, đường Trần Phú và đường Trần Quý Cáp), tại đây hình thành một ngã 3 (cổng chữ Y), quốc lộ đi bên phải thẳng làng Phú Lâm (Ngã Hai), còn đường cái quan cũ là đường đi về bên trái mé biển, qua dốc làng Tú Luông, băng rừng và động cát mới tới Khe Cả (xóm trạm Thuận Lý), tới mũi Khe (Kê) Gà (trạm Thuận Lâm, thôn Văn Kê)… Đoạn đường này rất hoang vắng, còn để lại câu ca xưa: “Thương em anh cũng muốn theo/Sợ truông Khe Cả, sợ đèo Tú Luông”…

Riêng về chiếc cầu Quan, năm 1917 người Pháp thay chiếc cầu trụ gỗ lót ván bằng cầu sắt, trụ bê tông cốt thép, mặt cầu vẫn là các thanh gỗ lớn gác ngang và hoàn chỉnh vào năm 1928 với phần chính giữa dành cho xe hơi và xe đạp và hai bên lề là lối đi dành cho bộ hành; chiếc cầu này đã bị cây trên nguồn về đánh sập vào năm Nhâm Thìn bão lụt (1952). Sau đó cầu được làm lại, phần chính giữa dành cho xe chạy, còn 2 bên làm hẳn 2 chiếc cầu cặp theo cầu chính dành cho khách bộ hành, song vào năm 1960 một chiếc xe hạng nặng của công binh đi qua đã làm sập cầu. Cầu được sửa chữa, cử 2 viên cảnh sát gác cầu, xe chỉ đi qua cầu một chiều, bên này qua thì bên kia phải dừng và ngược lại, sau thấy bất tiện, chính quyền đã làm hẳn chiếc cầu đôi, xe qua lại 2 chiều…

Có người nói và viết chiếc cầu Quan còn gọi là cầu Giữa, chính xác hơn cầu Quan được gọi là cầu Giữa phải là sau năm 1972 bởi nói cầu giữa thì phải có cầu hai bên mà đến thời điểm trước đó Phan Thiết chỉ có duy nhất một chiếc cầu Quan bắc qua sông Cà Ty. Còn nhớ, sau Tết Mậu Thân 1968, năm 1969 công binh Mỹ mới dựng cây cầu gỗ ở phía trên cầu Quan để vận chuyển quân lính, súng đạn… từ Căng ESEPIC qua đường Tám lên chiến trường Tam Giác nhanh chóng, nhân dân mới gọi tên là cầu Mỹ. Sau ngày giải phóng quê hương và thống nhất đất nước, ta tu bổ cây cầu và vài năm sau có điều kiện đã xây hẳn cây cầu bê tông cốt thép, đặt tên là cầu Dục Thanh bởi cầu bắc qua Khu di tích Trường Dục Thanh - nơi năm xưa Bác Hồ dừng chân dạy học trước khi vào Sài Gòn và ra đi tìm đường cứu nước (1910 - 1911). Còn phía dưới cây cầu Quan, năm 1972 mới làm cây cầu Trần Hưng Đạo và mở đường mới đi thẳng ra Ngã 3 Tam Biên nối vào quốc lộ 1, bấy giờ quốc lộ 1 qua trung tâm Phan Thiết đi bằng đường này. Thông cầu và đường vào năm 1972, cũng là lúc cao điểm chiến tranh, từng đoàn “công voa” của quân đội Sài Gòn ra Phan Thiết thẳng Nha Trang để lên cao nguyên tiếp tế cho chiến trường nơi có địa danh “Ngã 3 biên giới” đang đánh nhau ác liệt, một người nào đó ngẫu hứng gọi chỗ đường mới nối với quốc lộ cũ là “Ngã 3 Tam Biên”, không ngờ chết tên, địa danh “Ngã 3 Tam Biên” có từ đó tới nay. Và chỉ 3 năm sau, trước ngày 19/4/1975 giải phóng Phan Thiết, liên tiếp các đoàn xe nhà binh và dân sự chở tàn binh kéo theo dân chúng hoảng loạn chạy ngược về hướng Sài Gòn… sáng 19/4/1975 máy bay từ Sài Gòn ra thả bom làm sập một góc cầu Quan Phan Thiết, sau ngày giải phóng cầu được sửa chữa song chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp và xe gắn máy…

Mãi đến năm 2002, Phan Thiết mới có điều kiện làm cây cầu mới, tháo dỡ cầu Quan cũ, song cây cầu mới là cây cầu dây văng của thời hiện đại, có vẻ to lớn chắc chắn nhưng nhiều người Phan Thiết cứ tiếc nuối cây cầu Quan xưa cũ…

Ghi chép: VÕ NGỌC VĂN