Vẫn còn tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu trong các cơ quan nhà nước

Chính trị - Ngày đăng : 14:13, 04/11/2022

BTO-Sáng nay 4/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục chất vấn Nhóm vấn đề thứ nhất, đồng thời tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ 2 – lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
1(1).jpg
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông tại phiên chất vấn sáng 4/11.

Tham gia chất vấn lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; Bộ Thông tin và Truyền thông xác định hiện nay vẫn còn tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu trong các cơ quan nhà nước. Đại biểu đề nghị chỉ rõ những cơ quan đó là những cơ quan nào? Vì sao phải cát cứ thông tin không chia sẻ? Theo quy định, trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này?

Ngoài ra, hiện nay có một vấn đề khủng bố qua điện thoại, có cả tin nhắn và điện thoại trực tiếp liên quan đến đòi nợ thuê, quảng cáo còn khá phổ biến, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Vậy Bộ trưởng có giải pháp hiệu quả như thế nào để chấm dứt tình trạng trên trong thời gian tới?

11.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. 

Trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề cát cứ dữ liệu công của các cơ quan Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Chính phủ sẽ quyết định việc sử dụng, chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, về tâm lý, cũng có tình trạng sau khi xây dựng xong cơ sở dữ liệu, nhưng chưa yên tâm về độ chính xác, nên còn đắn đo, cân nhắc trong việc mang ra sử dụng. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu rất lớn, nhưng cho nhiều cơ quan nối vào thì sẽ nảy sinh e ngại những sự cố công nghệ kỹ thuật khi đấu nối vào những cơ sở dữ liệu không đảm bảo an toàn. 8 cơ sở dữ liệu đã kết nối, đã chia sẻ hiện đang hoạt động hiệu quả, đây là những kinh nghiệm ban đầu trong việc triển khai công tác kết nối các cơ sở dữ liệu. “Trong năm tới sẽ là năm dữ liệu số quốc gia. Chúng tôi sẽ chính thức yêu cầu các bộ ngành, địa phương công khai các dữ liệu của bộ ngành, địa phương mình”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói.

Liên quan đến vấn đề khủng bố qua điện thoại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi một tháng, phản ánh của người dân đến Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc qua các công ty viễn thông là khoảng 30.000 cuộc gọi, trong đó 88% các phản ánh liên quan đến số điện thoại hoặc khủng bố qua cuộc gọi. Theo Bộ trưởng Hùng, cuộc “điện thoại rác” là vấn nạn toàn cầu. Ở Mỹ, số lượng 1 người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan/tháng gấp 3 lần Việt Nam, ở Brazil cũng gấp 3 lần Việt Nam; còn Việt Nam tương đương Indonesia. Nhấn mạnh đến giải pháp nhằm khủng bố qua điện thoại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố số điện thoại để người dân có thể phản ánh về các cuộc gọi này để nhà mạng xử lý hoặc bộ chỉ đạo các nhà mạng xử lý. Mặt khác, theo ông Hùng: Phải dùng công nghệ để xử lý bởi trên môi trường số, giải pháp quan trọng nhất là công nghệ; đối tượng của mình dùng công nghệ thì mình cũng phải dùng công nghệ. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng chung tay phát triển công nghệ để xử lý, phát hiện cuộc gọi rác. Mỗi một tháng đã phát hiện khoảng gần 4.000 số điện thoại có phát tán thông tin rác và có câu chuyện đe doạ, khủng bố...

T.HÀ