Giải pháp khắc phục sai phạm, tiêu cực trong quá trình thanh tra
Chính trị - Ngày đăng : 14:58, 05/11/2022
Các ĐBQH sẽ chất vấn 4 nội dung thuộc lĩnh vực thanh tra gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong nhân dân…
Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Đặng Hồng Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng: Trong thời gian vừa qua, có một số vụ việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm hoặc có chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra thì lại chỉ ra những sai phạm và phải chuyển qua xử lý hình sự. Đại biểu Đặng Hồng Sỹ băn khoăn, vấn đề trên phải chăng là do pháp luật chưa đồng bộ, cách thực hiện pháp luật chưa đúng hay là có hay chăng việc tiêu cực trong quá trình thanh tra. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có những giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trên cơ sở đơn thư tố cáo về vụ việc cụ thể tại tỉnh Bình Thuận, Thanh tra Chính phủ đã thành lập Đoàn kiểm tra để rà soát một số nội dung. Theo đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất chưa đúng quy định của pháp luật. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, sai phạm này đã được chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, trong vấn đề này có một số khuyết điểm là việc xử lý, thanh tra còn chậm, ngoài ra, trong thanh tra có kế thừa kết quả kiểm toán. Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, vừa qua Thanh tra Chính phủ tiến hành nhiều việc thanh tra đột xuất, năm 2022 thanh tra mua sắm thiết bị phòng chống Covid-19, thanh tra quản lý xăng dầu, quy hoạch các công trình trọng điểm quốc gia, thị trường chứng khoán...
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Đặng Hồng Sỹ nhấn mạnh lại câu hỏi chất vấn: “Vì sao có sự khác nhau trong kết luận thanh tra và kết luận của cơ quan kiểm tra? Nguyên nhân chính có phải là do pháp luật chưa đồng bộ, cách hiểu pháp luật chưa đúng hay chăng có sự tiêu cực trong quá trình thanh tra? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới?”
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ: Nếu xét về chức năng, nhiệm vụ liên quan đến một đối tượng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định pháp luật thì có sự tương đồng. Tuy nhiên, trong quy định pháp luật hiện nay còn nhiều bất cập, vướng mắc, có thể cùng một sự việc nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau. Tổng Thanh tra Chính phủ nêu thực tế thời gian qua khi tiến hành thanh tra, xem xét, trao đổi, nhất là với cơ quan điều tra của Bộ Công an, cũng như Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cùng một vấn đề nhưng có cách hiểu khác nhau, đánh giá việc đó có sai phạm hay không. Nhiều nguyên nhân khác nữa liên quan đến cơ chế, chính sách qua nhiều thời kỳ, một số cơ chế chính sách chưa phù hợp khi áp dụng vào kết quả thanh tra để tính đúng sai.
“Trong việc thanh tra kiểm tra kiểm toán, như ở Bình Thuận trong quá trình nếu như phát hiện vấn đề có thể yêu cầu đối tượng thanh tra khắc phục được về mặt kinh tế không để xảy ra thất thoát vốn tài sản nhà nước thì có thể không ở mức hình sự. Nhưng do ở đây có một số đơn vị mà hiện nay có kết luận thanh tra và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách trường hợp mà có khả năng xử lý về mặt kinh tế được thì cho thời hạn nhất định. Nếu qua thời hạn mà không xử lý được thì chuyển cơ quan điều tra. Đây là biện pháp trong quá trình, chứ còn việc vênh nhau về trực diện thì không có” – Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.