Giải ngân vốn đầu tư công: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
Kinh tế - Ngày đăng : 05:02, 07/11/2022
Theo đó về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, biểu dương những chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đến ngày 15/10/2022 đạt trên 60% kế hoạch vốn. Bao gồm UBND các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh, UBND thị xã La Gi, UBND thành phố Phan Thiết, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh… Đồng thời phê bình một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30% kế hoạch vốn, qua đó nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 được giao.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư tích cực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân hết kế hoạch năm 2022 đã giao. Nhất là với trường hợp quá thời hạn bố trí vốn theo quy định (tại Điều 52 - Luật Đầu tư công) và kế hoạch vốn năm 2023 không bố trí vốn cho những dự án đã quá thời hạn bố trí vốn. Bên cạnh đó còn tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật, hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên cũng như thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.
Cùng với đó trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng trường hợp cụ thể, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án, nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án… Đối với dự án ODA thì chủ đầu tư cần chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương, nhà tài trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục để sớm giải ngân hết kế hoạch vốn được phân khai.
Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực cũng như kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Ngoài ra cũng không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với những tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2022 do nguyên nhân chủ quan… Trong khi đó, Sở Nội vụ có nhiệm vụ chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với tập thể, cá nhân thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao về giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Hướng đến năm 2023, các chủ đầu tư chủ động chuẩn bị thật tốt hồ sơ phê duyệt dự án dự kiến khởi công mới nhằm đáp ứng đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Sẵn sàng triển khai các công việc thực hiện, giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023, tránh trường hợp sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai công việc. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được, hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao. Với các cơ quan đề xuất kế hoạch vốn nước ngoài hàng năm phải đảm bảo cân đối tỷ lệ cấp phát vay lại của từng dự án, phù hợp cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mặt khác cũng cắt giảm kế hoạch vốn những dự án không có khả năng triển khai, không có nhu cầu cấp bách, tránh trường hợp đề xuất nhiều kế hoạch vốn nhưng không giải ngân hết…
Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023. Qua đó bảo đảm tính khả thi về thủ tục đầu tư, thực hiện và giải ngân cũng như hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương.