Lãi suất cho vay tăng: Người dân, doanh nghiệp thêm khó khăn

Kinh tế - Ngày đăng : 05:34, 08/11/2022

Trong bối cảnh tăng lãi suất điều hành, người dân và doanh nghiệp tỉnh đang gặp khó bởi ngay sau lãi suất huy động tăng lên, các chi nhánh ngân hàng thương mại liền điều chỉnh tăng lãi suất cho vay.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng lãi suất điều hành thêm 1%, khiến cuộc đua huy động vốn giữa các ngân hàng ngày càng nóng. Theo ghi nhận của phóng viên tại các ngân hàng thương mại hiện đã thay biểu lãi suất mới ở các kỳ hạn gửi tiết kiệm đều điều chỉnh tăng. Theo đó, lãi suất huy động tại quầy cao nhất đang là 9,3%/năm. Đáng chú ý, mức cao nhất hiện nay còn xuất hiện lãi suất 11%/năm ở sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng thương mại, tuy nhiên mức lãi suất này không được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi…

Lãi suất cho vay tăng áp lực trả lãi nếu doanh nghiệp còn dư nợ.

Trước cuộc đua tăng lãi suất huy động tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Thực tế, ngay sau khi lãi suất huy động tăng lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng đẩy tăng mạnh. Đến nay, không ít ngân hàng đã cập nhật biểu lãi suất cho vay mới với mức tăng từ 0,5 -1,2% so với hồi đầu tháng 10. Hiện tại, lãi suất ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân đã tăng lên mức tối thiểu 11,5 - 13%/năm tại nhà băng tư nhân và khoảng 11,5 - 12%/năm tại khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí của doanh nghiệp tăng thêm.

Đối diện với việc tăng lãi suất, ông Lê Văn Năm – Giám đốc Công ty TNHH MTV Năm Trang ở xã Đông Hà, huyện Đức Linh chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm kẹo hạt điều cho biết: Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 sản xuất ngưng trệ thì từ đầu năm đến nay doanh nghiệp chưa hết khó khi đầu ra không ổn định, bây giờ lại chịu thêm áp lực lãi suất vay cuối năm tăng lên. Đang có khoản vay tại Ngân hàng Vietinbank chúng tôi vừa nhận thông báo điều chỉnh lãi suất vay 7%/năm, nay tăng lên 9%. Tôi nghĩ giai đoạn cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm, lãi suất vay tăng nên việc trả lãi ngân hàng là vấn đề làm đau đầu đè nặng lên vấn đề tài chính của doanh nghiệp.

Lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí của doanh nghiệp tăng thêm và lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi. Theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải: Doanh nghiệp vận tải đối mặt với nhiều khó khăn khi vừa phục hồi sau dịch Covid-19. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đối mặt với giá xăng tăng, nhất là hiện nay với lãi suất cho vay được điều chỉnh tăng sẽ càng thêm áp lực vừa gồng mình trả lãi trong khi đó còn các khoản chi phí cố định cho các đầu xe…

Hội Nữ doanh nhân tỉnh hiện có 46 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Bà Nguyễn Thị Hồng Loan – Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh nhận định: “Hiện nay, đa số các thành viên trong Hội đều sản xuất kinh doanh ổn định. Tuy vậy, trước khó khăn khi tỷ lệ phần trăm chênh lệch giữa lãi suất vay và lãi suất tiền gửi tại ngân hàng buộc ngân hàng phải tính toán tăng lãi suất vay. Điều này sẽ ảnh hưởng khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn dư nợ, bởi nếu lãi suất vay không tăng thì doanh nghiệp có thêm giá trị dư ra phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất. Còn lãi suất vay tăng thì doanh nghiệp phải buộc vượt qua khó khăn, phải tiết giảm chi phí để trả lãi”.

Trong khi các khoản vay cũ bị đội chi phí lãi vay, việc vay mới càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn tiền của người dân đổ vào gửi ngân hàng cũng góp phần sẽ làm giảm nhu cầu mua sắm trên thị trường là những tác động đến sự hồi phục của doanh nghiệp vào những tháng cuối năm.

C.Tường