Dự án Luật Giá (sửa đổi): Cần xác định thời gian thực tế làm việc phù hợp
Chính trị - Ngày đăng : 09:04, 08/11/2022
Thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi), đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi nhằm nhấn mạnh đến vai trò, phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế cần được nghiên cứu, hoàn chỉnh; sửa đổi nhằm điều chỉnh nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tế chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng trong luật hiện hành.
Góp ý cụ thể tại Điều 47 về đăng ký hành nghề thẩm định giá, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần làm rõ cụm từ: “Thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá” tại điểm C, khoản 1. Đại biểu Thông băn khoăn việc xác định thời gian thực tế làm việc như thế nào cho phù hợp. Để tránh việc khó áp dụng trong thực tế, đại biểu Thông đề nghị tại điểm C, khoản 1, Điều 47 hoàn chỉnh là: “Có tổng thời gian thực tế làm việc tại các doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá (tính theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định từ đủ 36 tháng trở lên kể từ ngày được cấp thẻ thẩm định viên về giá)”. Xung quanh Điều 56 về đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ về thẩm định giá; đại biểu Thông đề nghị bổ sung thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với chi nhánh.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết bổ sung quy định về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến “nơi sinh” vào trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Theo đại biểu Thông, đây là tờ trình của Chính phủ và báo cáo thanh tra của Ủy ban Quốc phòng an ninh đưa vào Nghị quyết kì họp, là quy trình theo trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại biểu Thông đề nghị cần làm rõ quy trình bên Chính phủ như thế nào, có đưa ra cho cho các bộ, ngành có ý kiến, Bộ Tư pháp thẩm định theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không?
Cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), các ĐBQH thống nhất với sự cần thiết sửa đổi như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu.
Tham gia cụ thể tại Điều 2 về đối tượng áp dụng, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh đề nghị bổ sung cho phù hợp đồng bộ với nội dung quy định tại Điều 1. Cụ thể, đề nghị sửa đổi và thay thế cụm từ tại Điều 1 “hoạt động đấu thầu” bằng cụm từ “hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư” cho phù hợp.
Góp ý cụ thể tại Điều 4, khoản 5, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị sửa đổi cụm từ “tư vấn đấu thầu” thành cụm từ “tư vấn lựa chọn nhà thầu” vì Luật Đấu thầu quy định quản lý nhà nước về đấu thầu và hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư. Đồng thời cần làm rõ cụm từ “các dịch vụ tư vấn khác” được hiểu như thế nào để thực tế áp dụng cho đúng quy định.
Riêng tại Điều 20 về đấu thầu hạn chế, đại biểu Linh đề nghị xem xét bổ sung quy định rõ về tiêu chí để xác định gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù để áp dụng khi thực hiện đúng theo quy định. Tại điểm G, khoản 1, Điều 21 về chỉ định thầu, đại biểu Linh cũng đề nghị làm rõ thêm quy định cụ thể về gói thầu tái định cư như thế nào? Có bao gồm các gói thầu xây lắp các công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà ở phục vụ tái định cư hay không?