Cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 04:26, 09/11/2022

Với quan điểm là lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của cải cách hành chính, thời gian qua, với những giải pháp tích cực, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm nâng cao hơn nữa sự hài lòng của người dân.

Đơn giản hóa TTHC

Có thể thấy, việc đơn giản hóa TTHC nhằm kịp thời phát hiện TTHC không phù hợp, không đảm bảo tính hợp pháp, không xác định rõ thời hạn giải quyết gây khó khăn cho tổ chức, người dân. Từ đó, đề xuất, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, cắt giảm thời hạn giải quyết của các thủ tục dài ngày. Theo thống kê của Văn phòng UBND tỉnh, đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 2 quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa TTHC của Sở Y tế và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, hiện nay UBND tỉnh đang xem xét, ban hành quyết định phê duyệt danh mục và quy trình giải quyết 64 TTHC cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định trong năm 2022. Các TTHC sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố thực hiện trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật kịp thời đầy đủ, chính xác vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tính đến thời điểm hiện tại đã cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và liên kết trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt tỷ lệ 100%.

1(1).jpg
Người dân tra cứu thông tin tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thị xã La Gi.

Cũng theo Văn phòng UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục duy trì thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân thông qua Trung tâm Hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, Bưu điện tỉnh đã phối hợp các cơ quan, địa phương để bố trí nhân viên Bưu điện phối hợp luân chuyển TTHC giữa nội bộ các cơ quan hành chính; tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại quầy giao dịch của Bưu điện và trả tại địa chỉ theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục duy trì hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận, phân loại và chuyển đến các ngành chức năng xem xét, giải quyết kịp thời các ý kiến phản ánh, kiến nghị, đánh giá của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC. Riêng các sở, ban, ngành, địa phương duy trì công khai số điện thoại đường dây nóng, chuyên mục “Hỏi - Đáp” trên Trang thông tin điện tử để tiếp nhận, trả lời các ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân…

Xây dựng chính quyền số

Cùng với việc nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, Bình Thuận đã và đang xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Với mục tiêu ấy, trong năm 2022, hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh tiếp tục được đầu tư phát triển, mở rộng. Hạ tầng truyền dẫn quang đến nay đã phủ khắp toàn tỉnh đảm bảo cung cấp dịch vụ rộng đến 100% xã, phường trong tỉnh. Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng phủ khắp 98% dân số; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Thêm nữa, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào hoạt động Trục kết nối liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu quy mô cấp tỉnh để kết nối liên thông và tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh với các hệ thống thông tin cấp bộ/ngành Trung ương. Cùng với đó, duy trì kết nối hệ thống phần mềm Một cửa điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Zalo nhằm công khai kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tỉnh. Nhờ đó, 100% hồ sơ TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), các quy trình đều được cập nhật vào phần mềm, phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo thực hiện Nghị định số 61 của Chính phủ. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 (năm 2021-2023) Đề án nâng cấp Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã theo hướng hiện đại. Phấn đấu năm 2022 - 2023 sẽ triển khai cho 60/124 đơn vị cấp xã còn lại theo lộ trình đã phê duyệt. Đồng thời, triển khai mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các sở, ngành, địa phương trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Đến nay, tỉnh đã đầu tư và triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 17/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 10/10 đơn vị cấp huyện và 124/124 đơn vị cấp xã với tổng số 571 dịch vụ công/1.849 TTHC đạt 30,88%; đồng thời đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 340 dịch vụ công trực tuyến, với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 59,54%; 100% dịch vụ công được hỗ trợ sử dụng, giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp…

KIM ANH