Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm: Đổi mới để thu hút học sinh và du khách
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:51, 10/11/2022
Cuối tuần một ngày đầu tháng 11, không gian Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm trở nên náo nhiệt bởi đoàn khách hơn 200 học sinh từ Trường THCS Tiến Thành (TP. Phan Thiết) ra. Vượt chặng đường gần 70 km và phải đi từ rất sớm, nhưng sự mệt mỏi nhanh chóng nhường chỗ cho những tiếng hò reo khi các em được tham gia trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu, khi hoàn thành chiếc bánh gừng – món đặc trưng của dân tộc Chăm hay nặn thành công một sản phẩm gốm. Rồi lại hóa thân vào vai những chàng trai, cô gái Chăm, xoay chuyển nhịp nhàng cùng các điệu múa dân tộc... Chỉ một buổi nhưng cả thầy và trò đều thấy thú vị, bổ ích khi có thêm nhiều kiến thức từ sự cảm nhận thực tế về các giá trị lịch sử, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Cô Nguyễn Trúc Linh – giáo viên ngữ văn Trường THCS Tiến Thành cho biết: Trong chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, việc tăng cường hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho học sinh là một nội dung quan trọng. Khi đến tham quan trực tiếp, học sinh không phải học thuộc lòng ý nghĩa hay giá trị của mỗi di tích, mà các em được rèn luyện óc quan sát, cách miêu tả hay phỏng vấn các chủ thể văn hóa mình đang quan tâm. Qua đó khơi gợi trong học sinh nhiều cảm nhận, biết trân trọng hơn về di sản của địa phương. Và sau này có thể trình bày kết quả của chuyến tham quan bằng nhiều phương thức như thuyết trình, làm báo tường, sân khấu học đường...
Có thể thấy, những hoạt động trải nghiệm đã mang đến cho các em một không gian “chơi mà học, học mà chơi” đầy hấp dẫn. Theo ông Ức Viết Vòng – Trưởng ban Quản lý Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bắc Bình: Hiện nhu cầu tìm hiểu, tận hưởng văn hóa của công chúng ngày càng cao, đa dạng đặt ra những thách thức mới cho các trưng bày trong bảo tàng. Không chỉ thỏa mãn việc thưởng ngoạn hiện vật, khách tham quan còn mong muốn được trải nghiệm những câu chuyện gắn với hiện vật mà bảo tàng, trung tâm trưng bày đang nắm giữ, có cơ hội tham gia trao đổi và chia sẻ những trải nghiệm cá nhân. Đòi hỏi những người làm công tác bảo tàng phải xây dựng các hoạt động phù hợp với các đối tượng khác nhau để vừa tạo tâm lý thoải mái, vừa đạt được mục tiêu truyền bá, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống.
Năm 2022, số lượng khách đặc biệt là học sinh các trường tới trung tâm tham quan, học tập rất đông. Đến nay đã có hơn 8.500 lượt khách, tăng 41% so chỉ tiêu đề ra.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, ông Ức Viết Vòng cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục lên kế hoạch với những đổi mới cần thiết để đáp ứng việc học tập của học sinh và giáo viên hơn. Trong đó sẽ mời các nhà văn hóa tới nói chuyện, chia sẻ về văn hóa Chăm, giới thiệu về tour kết nối từ trung tâm tới làng nghề gốm Bình Đức, đền PoNit và xem bộ sưu tập hoàng tộc Chăm tại xã Phan Thanh, trình diễn các món ẩm thực, tạo điểm check-in, bổ sung thêm các bộ trang phục Chăm… Cùng với đó phải chuẩn bị tốt hơn cả về nội dung, hình thức tổ chức, cũng như đội ngũ thuyết minh, tham gia trực tiếp các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm có như thế di sản văn hóa mới gần hơn với công chúng.