Phát huy tình làng nghĩa xóm “tắt lửa tối đèn có nhau”

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:45, 11/11/2022

Vài tuần nay, liên tiếp 6 “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” đã được thành lập ở các phường trung tâm TP. Phan Thiết như: Lạc Đạo, Đức Thắng, Đức Nghĩa, Hàm Tiến… Mỗi tổ có từ 15 - 17 hộ gia đình liền kề tham gia. Đây đều là các địa bàn đông dân cư,

buôn bán dịch vụ sầm uất, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư, nhà trọ, chợ búa san sát nhau, hẻm sâu, đường đi lại nhỏ hẹp, dây điện chằng chéo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Vì vậy khi chính quyền vận động, rất nhiều hộ trong tổ dân phố lập tức tham gia, vì nhận thấy mô hình này rất thiết thực. Người dân mong muốn lực lượng cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập để nâng cao kỹ năng PCCC.

c5d21a38dd771b294266.jpg
Tổ liên gia an toàn PCCC phường Đức Thắng.

Tại thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) cũng vừa ra mắt “Tổ liên gia an toàn PCCC” tại dân phố 12, với 10 hộ tham gia. Đây là mô hình điểm của Tuy Phong trước khi nhân rộng, bởi Phan Rí Cửa là đô thị mật độ dân số rất đông, nhà cửa san sát, các tuyến đường trong khu dân cư nhỏ hẹp, gây khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ khi cháy nổ xảy ra.

Một thách thức trong công tác PCCC ở ta là người dân ở các thành phố lớn thường làm nhà ở kết hợp để sản xuất kinh doanh. Trong hầu hết vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, buôn bán, thì thiết kế không phù hợp, pha tạp giữa nơi sinh hoạt và buôn bán, sản xuất, hàng hóa, vật tư bề bộn, rất dễ phát sinh hỏa hoạn. Hơn nữa nhiều khu dân cư trong hẻm nhỏ, sâu không bảo đảm công tác PCCC. Vì vậy cần thiết phải phát huy 4 khả năng PCCC tại chỗ gồm: lực lượng của dân, phương tiện của dân, hậu cần của dân, chỉ huy của dân. Trong đó coi trọng lực lượng có mặt nhanh nhất, bởi thời điểm “vàng” để chữa cháy là thời gian không quá 5 phút kể từ khi hỏa hoạn bùng phát. Tổ liên gia an toàn PCCC sẽ góp phần phát huy năng lực tại chỗ để phát hiện và dập tắt kịp thời hỏa hoạn ở khu dân cư đông đúc, trước khi cảnh sát PCCC đến.

Với ý nghĩa ấy, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đang được nhân rộng trên cả nước. Ở TP. Đà Nẵng mỗi tổ liên gia có từ 5 - 15 hộ (nhà để ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh) liền kề nhau tham gia. Mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và 1 dụng cụ phá dỡ. Kinh phí thực hiện mô hình do các hộ gia đình đóng góp. Sau khi thành lập, các tổ được cảnh sát PCCC tổ chức diễn tập cấp cứu, cứu nạn cứu hộ trong khu dân cư.

Còn TP. Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên toàn thành phố. Ngoài bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ, các hộ gia đình còn lắp đặt chuông báo cháy và nút ấn báo cháy ở vị trí phù hợp của mỗi nhà. Khi xảy cháy thì đồng loạt chuông của các hộ gia đình đều phát ra thông báo, để người dân biết, thoát nạn và hỗ trợ nhau. Đối với các con hẻm sâu trên 50m, tập trung nhiều nhà khi xảy cháy không tiếp cận được, sẽ lắp đặt điểm chữa cháy công cộng, với đầy đủ thiết bị chữa cháy như bình chữa cháy, xà beng, kềm cộng lực cho lực lượng tại chỗ.

Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” không chỉ để PCCC hiệu quả ngay từ cơ sở, tại khu dân cư, mà còn giúp tăng thêm sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm “tắt lửa tối đèn có nhau” trong cộng đồng dân cư. Vì vậy cần tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn Bình Thuận.

ĐẶNG DŨNG