Những tình khúc chở ước mơ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:36, 11/11/2022

Có lẽ, mọi người ai cũng có những ước mơ. Có những ước mơ gần gũi. Lại có những ước mơ xa hơn đối với một người. Với những người khác nhau, ước mơ chẳng giống nhau. Đã có những khúc tình ca Việt chở những ước mơ ấy đi cùng năm tháng.

1. Trước hết, là những ước mơ về những mùa xuân tương lai của đất nước.

Nhạc sĩ Văn Ký đã sáng tác ca khúc “Bài ca hy vọng” trong lúc miền Nam đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Điều kỳ diệu là, bài ca ấy đã có tác động mạnh đến tinh thần của nhiều người, trong đó có những người tham gia kháng chiến, ngay cả những anh chị, cô chú đang ở trong tù, vẫn không ngừng cất những lời ca đầy lạc quan hướng về tương lai, hướng về sự thắng lợi của cách mạng: “Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai/ Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm/ Có mùa xuân nào đẹp bằng”.

db1f109f26fe81eda53122ad734be3c2.jpg

Bác Hồ, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc, mãi luôn ở trong trái tim mọi người dân Việt. Khi Bắc – Nam sum họp, rất nhiều người mong muốn được viếng Người ở thủ đô Hà Nội. Nhạc sĩ Dân Huyền đã nói thay niềm ao ước của nhiều người. Ca khúc “Bên Lăng Bác Hồ” của nhạc sĩ có đoạn: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong/ Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng/ Về thăm Bác hôm nay, bao mến thương xao xuyến trong lòng/ Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông”.

Tiếp nữa, có nghề nghiệp, với những công việc gieo ước mơ cho những thế hệ tiếp nối. Những người thầy giáo truyền cho những học sinh những tri thức khoa học, gieo trong lòng các em những ước mơ, lý tưởng. Nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết trong ca khúc “Bài ca người giáo viên nhân dân”: “Tiếng em nói nhen nhóm bao mơ ước lý tưởng/ Tiếng kiêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước/ Em đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn”…

Lại có những ước muốn dưới những mái trường. Kỷ niệm của những tháng năm cắp sách sẽ còn lưu lại trong ký ức của những người bạn. Những cô cậu học trò ấy có những ước muốn đáng yêu làm sao. “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này/ Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại/ Cho bao khát vọng, đam mê cháy bỏng/ Sẽ còn mãi trong tim mọi người/…”. (“Mong ước kỷ niệm xưa” – tác giả Nguyễn Xuân Phương).

Đó đây, còn ước mơ khác nữa. Có những người đã cống hiến tuổi xuân của mình cho quê hương. Trong rất nhiều công việc họ đã làm thời tuổi trẻ, có việc đi xây dựng những lâm trường, đem màu xanh đến cho quê hương. Nhạc sĩ Thanh Tùng đã viết tình khúc “Hoàng hôn màu lá” nói hộ tiếng lòng cho những anh chị thanh niên xung phong: “Ước mơ còn nhớ không, bát ngát lâm trường? Tiếng ca màu nắng hồng, vợi nỗi nhớ quê hương”.

Những ước mơ hình như chẳng giới hạn bao giờ, cả những điều, những việc cụ thể, lẫn gần và xa về thời gian, không gian. Ước mơ về những công trình xây dựng đẹp, mới trên quê hương, được làm nên bởi những người thợ xây. Ở nhạc phẩm “Thành phố biển xanh”, nhạc sĩ Hoài Sơn đã viết: “Bờ cát trắng và nắng gắt dường như thấy những điều ta ước mơ/ Làn gió mát và tiếng hát ngày đêm đến bên tôi như thì thầm/ Đẹp biết bao đời thợ xây hạnh phúc đến từ tầm tay/ Công trình mới vẫy gọi ta đi…”.

2. Bên cạnh đó, ước mơ của những thế hệ người Việt về tình yêu, về tình duyên đôi lứa, cả những đầm ấm, hạnh phúc, lẫn những tiếc nuối, xót xa, xuất hiện rất nhiều trong những khúc tình ca.

Một trong những nhạc sĩ đề cập rất nhiều về ước mơ trong những tình khúc do ông sáng tác, phải kể đến Ngô Thụy Miên. Ông là tác giả của không dưới 10 ca khúc có nói về ước mơ. Có thể kể: “Mắt biếc” (“Phố vắng mênh mang mưa rơi/ Ước mơ nào nguôi tình đã phai rồi”), “Tình khúc mùa xuân” (“Mùa thu gió heo may gọi về/ Mùa đông nắng hanh trên tuổi thề/ Mình đan nắng ru mây ước mơ xa vời”), “Chiều nay không có em” (“Không có em một mình, ta với ta ngày dài/…/ Như ước mơ, xin nhớ lần mình hẹn hò”), “Tình khúc tháng sáu” (“Khép kín lòng môi, anh ước tình yêu tới”) (lời thơ: Nguyên Sa), “Mùa thu cho em” (“Và em có mơ khi mùa thu tới/ Hai chúng ta sẽ cùng chung lối/ Em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương”), “Dáng ngọc” (“Lặng nghe xa vắng nghe tiếng cô liêu/ Tình yêu đành thôi ước mơ…”), và cả trong những bài: Dấu tình sầu, Giọt nước mắt ngà, Bản tình cuối, Tình khúc buồn, Riêng một góc trời…

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên trong ca khúc “Ai lên xứ hoa đào” đã viết về ước mơ trong tâm tư: “Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ/ Nghe tâm tư mơ ước mộng Đào Nguyên…”. Thêm những ước mơ đối với người lữ khách khi đến với Đà Lạt đáng yêu. Nhạc sĩ Minh Kỳ đã viết trong “Thương về miền đất lạnh”: “Tôi nhớ Đà Lạt thơ/ Ru lòng người lữ thứ với bao nhiêu ước mơ”.

Đã có những chuyện tình đẹp, rồi phải dang dở, bởi có người quên đi những kỷ niệm ngày nào. Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã viết trong bản tình ca “Sao anh nỡ đành quên”: “Sao anh nỡ đành quên bao lời tha thiết mong chờ?/ Sao anh nỡ đành quên chuyện tình đẹp như ước mơ?”.

Thêm một tình khúc khác, “Nếu anh đừng hẹn” của các nhạc sĩ Lê Dinh – Dạ Cầm, đã có những lời như dặn dò nhau, giữ cho trọn một tình yêu: “Mình yêu nhau mãi suốt đời nghe anh/ Chiều kia sẽ vơi, và màu hoa sẽ phai/ Tình ta sẽ không nhạt màu như nắng hoa/ Mà đẹp như ước mơ”.

Cũng có khi, những người yêu nhau hẹn nhau đừng mơ ước. Bởi, họ sợ rằng sẽ để lại đau buồn cho người ngóng đợi. Nhưng rồi, vẫn có chút xao xuyến lòng: “Rồi hẹn đừng ước mơ/ Mà tê tái cho người mong chờ/ Một chiều nào cuối thu/ Chợt xao xuyến hương tình xưa”. (“Hai phương trời cách biệt” – Hoàng Trọng).

Với nhạc sĩ Vũ Thành An, ở tình khúc “Bài không tên số hai”, ông cũng đã viết về bao ước mơ của người con gái, đọng lại chăng, chỉ một mối tình: “Đời một người con gái ước mơ đã nhiều, trời cho không được mấy/ Đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo”.

“Bây giờ tháng mấy”, một tình khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Từ Công Phụng đã có những nét thật lãng mạn về hình ảnh người con gái trong một câu chuyện tình: “Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em/ Anh đi tìm màu hoa em cài/ Chiều nay nhớ em rồi và nhớ/ Áo em đẹp màu thơ/ Môi tràn đầy ước mơ”.

Một nhạc sĩ nổi tiếng, quê Bình Thuận, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, là tác giả của ca khúc “Ước gì”. Ở ca khúc ấy, người con gái đã rất thật với lòng mình khi nói về những điều ước của cô: “Ước gì cho thời gian trở lại/ Ước gì em gặp anh một lần/ Em sẽ nói em luôn nhớ anh/ Và em chỉ có anh thôi”.

Cùng rất nhiều những tình khúc khác có mênh mang bao niềm mơ ước: Dư Âm, Nửa hồn thương đau, Nỗi lòng người đi, Buồn trong kỷ niệm, Phố vắng em rồi, Cô hàng xóm, Tình khúc chiều mưa, Cánh thiệp đầu xuân, Lệ đá, Thao thức vì em…

3. Lắng nghe một số bản tình ca Việt như trên, khán thính giả cũng không khó để nhận ra đã có những tình khúc với ca từ mang những ước mơ ngày đẹp tươi của đất nước, ước được nhìn thấy Bác Hồ yên nghỉ trong lăng, ước mơ về những màu xanh của quê hương… Song, nhiều hơn cả, có lẽ là những ước mơ về tình yêu lứa đôi với nhiều cung bậc, cảm xúc khác nhau, trong đó có mơ ước chung đôi, đoàn tụ. Chung đôi, xây nên những mái ấm yêu thương, để tình ca Việt tiếp tục dệt thêm những giai điệu ngọt ngào, với những lời ca êm ái của những chặng đường ấm nồng phía trước.

Phúc Nhân