Sản xuất nông nghiệp năm 2022: Quyết tâm vượt khó
Kinh tế - Ngày đăng : 16:00, 13/11/2022
Vượt thách thức thời tiết
Năm 2022 gần kết thúc, đánh dấu một mốc thời gian vượt khó của ngành nông nghiệp. Đó là sự tác động của nhiều yếu tố như tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp tại một số khu vực trong tỉnh. Tình hình sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ gây hại. Nhất là xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn, giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu tăng cao.
Đáng chú ý về lĩnh vực trồng trọt, vượt qua nhiều bất lợi, vụ đông xuân 2021 - 2022, lượng nước tích trữ tại các hồ đập đảm bảo kế hoạch sản xuất. Nguồn nước thuận lợi nên nông dân các địa phương xuống giống đúng lịch thời vụ, diện tích gieo trồng cây ngắn ngày vượt 11,1% kế hoạch vụ. Bước vào vụ hè thu 2022, mùa mưa đến sớm, lượng nước tích trữ tại các hồ đập đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên do giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, một số cánh đồng bị ngập úng cục bộ nên tại một số khu vực người dân ngừng sản xuất. Do đó, diện tích gieo trồng lúa vụ hè thu chỉ đạt 93,9% kế hoạch vụ, diện tích giảm chủ yếu ở huyện Đức Linh và Tánh Linh. Hiện toàn tỉnh đang sản xuất vụ mùa trong điều kiện thời tiết và nguồn nước thuận lợi. Phần lớn diện tích xuống giống đúng lịch thời vụ. Tuy nhiên, tại một số khu vực xảy ra mưa lũ cục bộ, gây ngập úng một phần diện tích cây trồng.
Cũng cần nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp trong năm 2022 còn nổi lên một số khó khăn. Đó là liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, giá cả nông sản thiếu ổn định. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất chưa nhiều. Từ đó dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản còn thấp. Mặt khác, biến đổi khí hậu tiếp tục có những diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp, là thách thức đối với sự phát triển bền vững...
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu
Theo đánh giá của ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, việc triển khai các kế hoạch năm 2022 tuy gặp không ít khó khăn tác động. Song từ kết quả đạt được 9 tháng và thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, dự báo năm 2022 ngành nông nghiệp và PTNT sẽ phấn đấu hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu được giao. Cụ thể, phấn đấu trong năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ngành nông nghiệp đạt từ 2,8 đến 3,3%/năm; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 43%...
Để đạt kết quả đó, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Chú ý phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, giảm tiếp xúc trực tiếp, nhân rộng thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm. Song song, đẩy mạnh cơ cấu lại cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, cơ cấu lại quy mô sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có điều kiện kết hợp nông nghiệp với du lịch. Xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị đối với ngành hàng sản phẩm quan trọng của tỉnh (thanh long, lúa, rau các loại...). Dù khó khăn, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn dự ước vượt chỉ tiêu, ổn định sản lượng lương thực. Phát triển lúa thương phẩm chất lượng cao, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo. Triển khai một số mô hình phát triển trồng trọt hữu cơ, cây dược liệu, cây ăn quả…
Dự kiến nếu tình hình vụ mùa sản xuất ổn định, tổng sản lượng lương thực trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 833.840 tấn/KH 800.000 tấn, đạt 104,2% so kế hoạch.