Quản lý và sử dụng nguồn lực đảng viên sau khi xuất ngũ: Đâu là giải pháp?
Chính trị - Ngày đăng : 05:15, 14/11/2022
Nhân tố tích cực ở cơ sở
Vùng quê Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc đang chuyển mình phát triển từng ngày với những nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và cán đích trong xây dựng nông thôn mới vào năm 2016… Đóng góp vào kết quả chung đó, có không ít những đảng viên là bộ đội xuất ngũ. Họ trở thành những nhân tố tích cực trong nhiều hoạt động phong trào của địa phương.
Xuất ngũ đã nhiều năm, đảng viên Nguyễn Thanh Chung, sinh năm 1984 (xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) hiện giờ là một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi ở địa phương. Anh Chung cho biết, có được ngày hôm nay chính là nhờ anh đã bước chân vào môi trường quân ngũ. Trong môi trường đó đã rèn luyện anh trở thành một người bản lĩnh vững vàng, có ý chí, có nghị lực. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể, anh tự tin hơn trong việc phát triển kinh tế. Theo đó, anh đã tìm tòi, học hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây thanh long, đưa toàn bộ diện tích thanh long của gia đình vào quy trình chăm sóc khép kín Viet Gap. Nhờ đó đầu ra của sản phẩm luôn được ổn định.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của người đảng viên trẻ, anh Chung luôn xung kích trong mọi hoạt động, phong trào của địa phương. Hiện tại anh đang là Trưởng thôn Đại Thiện 2, kiêm Bí thư Chi đoàn thôn. Anh Chung khẳng định: Mặc dù thời gian trong quân ngũ không nhiều nhưng nơi đó chính là trường học lớn giúp anh rèn luyện để trưởng thành. “Không ngại khó khăn gian khổ, dám xông pha là những đức tính tôi học được từ môi trường quân ngũ. Nhờ đó, tôi mới vững vàng như hôm nay”, anh Chung chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương được bố trí việc làm trong hệ thống chính trị ở cơ sở đã góp phần tăng nguồn cán bộ trẻ, tỷ lệ lãnh đạo trẻ, tăng sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng hệ thống chính trị địa phương ngày càng vững mạnh. Thống kê từ năm 2016 đến 9/2021, Bình Thuận có 622 đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương. Trong số này có 80 đảng viên được bố trí làm cán bộ trong hệ thống chính trị ở địa phương, chiếm gần 12% tổng số đảng viên xuất ngũ. Một số đồng chí sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy tốt năng lực, vai trò trách nhiệm từng bước phát triển thành cán bộ chủ chốt cấp xã và huyện.
Đâu là những giải pháp?
Những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với số lượng đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Bởi trong số 622 đảng viên xuất ngũ thì có 121 đảng viên không còn sinh hoạt Đảng, chiếm hơn 19%, trong đó có 28 trường hợp đảng viên xin ra khỏi Đảng, số đảng viên vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng bị xóa tên là 93 trường hợp. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chủ yếu nằm ở 3 khâu cơ bản đó là công tác tạo nguồn; công tác quản lý, giáo dục đảng viên sau xuất ngũ và việc bố trí, sử dụng đảng viên xuất ngũ tại địa phương. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cả hệ thống chính trị cần có những chủ trương, giải pháp thiết thực, đồng bộ, hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ.
Theo đó, để tạo bước chuyển biến về vấn đề này, cấp ủy các cấp cần tập trung làm tốt công tác cử tuyển những đảng viên ưu tú ở địa phương để nhập ngũ gắn với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ ở địa phương, trong đó ưu tiên việc lựa chọn, động viên những đảng viên là cán bộ công chức, viên chức trong độ tuổi để tham gia nhập ngũ, xem đây là một bước để thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần khắc phục khó khăn cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngoài ra, cần phát huy sự phối hợp giữa cấp ủy các cấp với các trường cao đẳng, đại học trong công tác xây dựng nguồn ngay từ trên giảng đường, từ đó có cơ chế, chính sách cụ thể để đảng viên là các sinh viên đã tốt nghiệp tham gia nhập ngũ vừa tạo nguồn cán bộ phục vụ lâu dài trong quân đội đồng thời tạo nguồn cán bộ cơ sở ở địa phương.
Khâu quan trọng nữa là công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho đảng viên xuất ngũ, việc này làm tốt sẽ “giữ” được đảng viên. Thực tế cho thấy khi có việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương, đảng viên xuất ngũ sẽ có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng và thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên sau xuất ngũ tại nơi cư trú. Nhiều cán bộ địa phương chia sẻ: “Khâu quan trọng là triển khai thực hiện triệt để các chủ trương, chính sách hỗ trợ việc làm cho bộ đội xuất ngũ nói chung và đảng viên xuất ngũ nói riêng. Trọng tâm là phát huy hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề tại địa phương gắn với việc xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp được xem như là giải pháp quan trọng”.
Ngoài ra, biện pháp quan trọng nữa là các đơn vị quân đội luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, chủ động liên kết với các nhà trường, các cơ sở đào tạo nghề và các công ty, xí nghiệp để hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tuyển dụng lao động là quân nhân xuất ngũ. Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương khi quân nhân xuất ngũ về thì tổ chức gặp gỡ, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và có chính sách ưu đãi phù hợp nhất trong việc hỗ trợ vay vốn để đảng viên xuất ngũ khởi nghiệp trên quê hương.
Có thể nói, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ cần nhiều chủ trương, giải pháp vừa mang tính đột phá đồng thời bảo đảm sự bền vững, kế thừa và phát triển. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên xuất ngũ được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, thực sự là cầu nối giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên ở địa phương.